Cụ thể, một nghiên cứu mới công bố rằng, chuyến bay MH370 - chở 239 hành khách mất tích hơn 9 năm qua - có thể được tìm thấy cách Perth, Australia khoảng 1.560 km về phía Tây, tờ Mirror ngày 1/9 đưa tin.
Vị trí của chuyến bay MH370 mất tích được xác định nhờ công nghệ vô tuyến mới. Cụ thể, các nhà nghiên cứu Richard Godfrey, Tiến sĩ Hannes Coetzee và Giáo sư Simon Maskell đã sử dụng Hệ thống truyền sóng vô tuyến tín hiệu yếu (WSPR) để theo dõi đường bay của Boeing 777 trong 6 giờ sau khi mất liên lạc vào năm 2014.
Trong một báo cáo mới dài 229 trang, nhóm nghiên cứu cho biết: "Công nghệ này đã được phát triển trong ba năm qua và kết quả là những bằng chứng mới đáng tin cậy. Nó phù hợp với các phân tích mới của Boeing... và các phân tích về các mảnh vỡ trôi dạt quanh Ấn Độ Dương của Đại học Tây Úc".
Vị trí cuối cùng của MH370 trong nghiên cứu mới này hơi lệch về phía bắc so với các giả thiết trước đó. "Chuyến bay MH370 đã chuyển hướng xuống Ấn Độ Dương và rơi xuống do cạn kiệt nhiên liệu... vào một thời điểm nào đó sau tín hiệu cuối cùng", các nhà nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã có thể xác định được 125 điểm nơi máy bay bay tới, trong đó, đường đi của nó trùng khớp với dữ liệu của Boeing, vệ tinh Inmarsat và phân tích trôi dạt.
Tờ Daily Mail đưa tin, đường bay của MH370 dường như có hình zig-zag kỳ lạ trước khi rơi. Máy bay đang bay từ sân bay Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014 thì mất liên lạc gần đảo Phuket ở eo biển Malacca. Người ta tin rằng MH370 đã quay đầu và hướng tới Ấn Độ Dương, nơi nó rơi sau khoảng 7,5 giờ do hết nhiên liệu.
Có giả thuyết phi công Zaharie Ahmad Shah đã cố tình lao máy bay xuống biển hoặc nó bị không tặc. Trước khi máy bay đổi hướng và biến mất, nhà chức trách tin rằng, họ đã nghe thấy cơ trưởng hoặc cơ phó nói: "Chúc ngủ ngon Malaysia ba bảy không".