Với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, rằm tháng Bảy mang nhiều ý nghĩa, được coi như một dấu mốc quan trọng của quá trình sản xuất trong năm.
Mùa này, bà con thu hoạch xong vụ xuân và cấy xong lúa mùa. Vì thế, bà con mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và mong tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây lúa sinh trưởng tốt tươi.
Đặc biệt, rằm tháng Bảy, nhà nhà, người người ăn thịt vịt. Vì vậy, trong văn hóa truyền miệng của người Tày, Nùng mới có câu: “Bươn Chiêng kin nựa cáy/Bươn Chất kin nựa pết” có nghĩa “Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng Bảy ăn thịt vịt”.
Món ăn này cùng với bánh gai là 2 món ăn truyền thống không thể thiếu trong rằm tháng Bảy. Theo truyền thuyết, con vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, Nùng, là vị sứ giả của mường trần gian với mường trời.
Con vịt có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống sứ mường trời vào ngày rằm tháng Bảy hằng năm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong mâm cỗ của ngày rằm tháng Bảy ở nông thôn chủ yếu là tự cung, tự cấp, cây nhà lá vườn nên người dân chuẩn bị chu đáo từ trước.
Vịt rằm tháng Bảy thường được nuôi từ tháng Ba âm lịch, tính sao cho đủ tháng để tránh bị mọc lông tơ mà cũng không bị quá già mới là vịt ngon. Vịt cúng lễ phải được thả suối hằng ngày cho sạch, ăn tép, cua và thóc sạch.
Không khí nhộn nhịp mua vịt trong những ngày rằm tháng Bảy của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Ảnh Thế Vĩnh
Ngay từ những phiên chợ đầu tiên của tháng 7 âm lịch, vịt là mặt hàng bán chạy nhất. Bên cạnh đó, còn có những mặt hàng như: lá làm bánh gai, nguyên liệu làm bánh, đồ cúng.
Ở các phiên chợ, những lồng vịt được xếp thành hàng dài, tiếng vịt kêu rộn ràng cả khu chợ. Chị Nông Thị Lâm, phường Ngọc Xuân (Thành phố Cao Bằng) cho biết: Mỗi năm vào dịp rằm tháng Bảy, gia đình tôi thường đi chợ từ những phiên chợ đầu tháng để mua đồ. Năm nào nhà tôi cũng mua hai đôi vịt béo, một đôi để nhà cúng, còn một đôi mang về nhà ngoại đi tái.
Đến ngày rằm tháng Bảy, các gia đình chọn hai con vịt to, béo nhất đàn, một đực, một cái để mổ làm cơm cúng tổ tiên.
Tùy theo từng gia đình, đôi vịt có thể mổ, luộc lên và để vào đĩa, dâng cúng cả con hoặc chặt thành miếng nhỏ xếp vào đĩa rồi đặt vào mâm cơm. Ngoài vịt luộc, món đặc trưng nhất của người Tày, Nùng là vịt quay mác mật.
Vịt mổ xong, tẩm ướp đầy đủ gia vị, nhồi lá mác mật vào bụng con vịt rồi khâu lại, phết một chút mật ong rừng lên ngoài da, sau đó đem quay. Hiện nay, món thịt vịt quay lá mác mật của người Tày, Nùng trở thành món ăn đặc sản, được khách thập phương biết đến.
Với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, khi “pây tái” lễ mang về thăm cha mẹ bên ngoại không thể thiếu 2 con vịt béo.
Cũng theo truyền thống của người Tày, Nùng, rằm tháng Bẩy còn có một tên gọi khác là Tết “pây tái” (về ngoại).
Đây là dịp con gái và con rể đem lễ về thăm nhà ngoại để tỏ lòng biết ơn công sinh thành của cha mẹ. Sau một năm cùng chồng con chú tâm công việc làm ăn, quán xuyến hương khói, thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng thì ngày rằm tháng Bảy, con gái sẽ trở về thăm bố mẹ đẻ. Khác với ngày Tết Nguyên đán, lễ mang đi “pây tái” là bánh chưng và thịt gà, ngày rằm tháng Bảy lại là đôi vịt và bánh gai.
Lễ mang về thăm cha mẹ bên ngoại ít nhiều do từng nhà, nhưng không thể thiếu là 2 con vịt béo, vài cặp bánh gai và một chai rượu nhỏ.
Vịt phải là một đực, một cái béo, lông mượt. Khi mang vịt đến, con rể và con gái sẽ tự tay thịt vịt và cùng nhau làm mâm cỗ để bày lên thờ cúng tổ tiên tỏ lòng biết ơn, tri ân, báo hiếu công đức sinh thành.