Một dòng sông nổi tiếng ở Cao Bằng, lạ nhất là bốn mùa nước trong xanh, cảnh đẹp như phim

Thứ ba, ngày 13/06/2023 13:25 PM (GMT+7)
Sông Quây Sơn bắt đầu chảy vào địa phận Việt Nam tại xã Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Đến dòng sông ai cũng xao xuyến, ấn tượng bởi vẻ đẹp của đồi núi trùng điệp, hùng vĩ hòa quyện với dòng nước bốn mùa trong xanh, thấp thoáng những xóm làng người Tày, Nùng còn lưu giữ những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Bình luận 0

Xuất phát từ Thị trấn huyện Trùng Khánh, (tỉnh Cao Bằng) vượt hơn 20 km và gặp không ít gập ghềnh, chúng tôi đến xã Ngọc Côn. 

Hai bên đường nhiều ngôi nhà 2 - 3 tầng khang trang và xe đi lại tấp nập cho thấy dấu hiệu của vùng đất khởi sắc về kinh tế. Đến trung tâm xã giữa cơn mưa tầm tã kéo dài từ sáng sớm, vậy mà trên khắp các cánh đồng dọc hai bên dòng sông Quây Sơn, tiếng máy cày, người nhổ mạ, cấy lúa... vẫn tấp nập. 

Có thể thấy, sông Quây Sơn không chỉ bồi đắp phù sa, đất đai màu mỡ mà điều làm nên sự trù phú cho mảnh đất này chính là những người nông dân cần cù, chăm chỉ, say mê lao động.

    Một dòng sông nổi tiếng ở Cao Bằng, lạ nhất là bốn mùa nước trong xanhm, cảnh đẹp như phim - Ảnh 1.

    Những ngôi nhà tầng khang trang của nhân dân xã Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) bên bờ sông Quây Sơn.

    Đi trong hương mạ non nếp Ong nồng nàn quyện trong gió, theo chân cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ngọc Côn, chúng tôi đến nơi thượng nguồn dòng sông Quây Sơn ở cuối xóm Phja Muông, cách trung tâm xã khoảng 3 km. 

    Đứng bên cột mốc 785 thiêng liêng và nhìn bên trái bờ sông là cột mốc 784, chúng tôi trào dâng một cảm xúc rất lạ, đó là cảm xúc về chủ quyền lãnh thổ, về vùng đất quê hương nơi tuyến đầu Tổ quốc. Vọng đâu đây trong tiếng thác Thoong Khoang là những lời nhắn nhủ của cha ông phải bảo vệ vững chắc từng thước núi, tấc sông của Tổ quốc. 

    Dòng chảy từ đập Thoong Khoang rầm rộ, mãnh liệt ngày đêm giữa núi non trùng điệp. Dưới đập có nhiều mỏm đá chia tách thành 2 dòng chảy với những đoạn thác nước nhỏ tung bọt trắng xóa, tuy khá gập ghềnh nhưng “gan dạ”, “bền bỉ” chảy xiết  đêm ngày. 

    Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ngọc Côn Lê Minh Thịnh chia sẻ: Lần đầu tiên bước chân đến mảnh đất biên viễn xã Ngọc Côn, tôi đã bị vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên và con người nơi đây “quyến rũ”. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con luôn cần cù, đôn hậu. 

    Đặc biệt, qua những ngày đi tuần tra cùng nhân dân tại cột mốc, tôi thật sự cảm phục bà con sinh sống trên dải đất này ngày đêm cùng cán bộ, chiến sỹ Biên phòng canh giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Cùng với những cột mốc được phân định theo luật pháp quốc tế thì những người con của mảnh đất Ngọc Côn cũng chính là những cột mốc chủ quyền sống động nhất, đẹp đẽ nhất.

    Một dòng sông nổi tiếng ở Cao Bằng, lạ nhất là bốn mùa nước trong xanhm, cảnh đẹp như phim - Ảnh 2.

    Đập Phai Luông vẻ đẹp thiên nhiên sơn thủy hữu tình trên dòng sông Quây Sơn, đoạn sông chảy qua huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

     Ra khỏi vùng thác Thoong Khoang, dòng chảy sông Quây Sơn trở nên hiền hòa như dải lụa dịu dàng uốn quanh các xóm ven sông để bồi đắp phù sa, tạo nên vùng đất trù phú và nền văn hóa giàu bản sắc. Hai bên bờ sông với những ngôi nhà tầng khang trang và  ruộng lúa rộng mênh mông, xanh mướt. 

    Tiếp tục hành trình vượt qua cầu treo Pác Ngà đến xóm Phja Siểm bắt gặp đập Phai Luông đẹp ngỡ ngàng. Dòng thác bạc từ đập trải rộng theo hình vòng cung, phía dưới thác có những mỏm đá lớn nhỏ làm dòng nước như được phân thành 2 - 3 tầng nhỏ. 

    Những cây xanh khá cao vươn mình trên những mỏm đá ngay dưới chân thác, phía trên đập, mặt nước trong xanh, phẳng lặng in bóng dãy núi trùng điệp tạo nên không gian thoáng và rộng, tất cả hòa quyện làm nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình.  

    Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) Phan Văn Tuân cho biết: Toàn xã có 458 hộ với 3 dân tộc Tày, Nùng, Kinh cùng sinh sống. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó, diện tích trồng lúa nếp Ong - cây đặc sản địa phương chiếm trên 50% tổng diện tích cây trồng toàn xã với 100 ha. 

    Các xóm chạy dọc hai bên sông nên giao thông tuy còn cách trở nhưng có tiềm năng để phát triển du lịch. Từ lâu, nhiều du khách gần xa đã đến tham quan, khám phá cảnh đẹp và con người nơi đây. Đặc biệt, chủ trương thực hiện Dự án du thuyền mạo hiểm xuyên quốc gia trên sông Quây Sơn qua mốc 784, 785 tại địa phận xã Ngọc Côn là một tin vui để “đánh thức” tiềm năng du lịch của địa phương. 

    Trước mắt, xã tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các xóm tự quản lý, bảo vệ dòng sông, nghiêm cấm các hành vi khai thác, ô nhiễm môi trường... và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để trong thời gian tới khi được quy hoạch là vùng trọng điểm du lịch mạo hiểm sông Quây Sơn sẽ mở ra cho xã những cơ hội mới, phát huy giá trị thắng cảnh, văn hóa truyền thống của địa phương.

    Thúy Hằng (Báo Cao Bằng)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Ý kiến của bạn
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem