Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV vừa nhận được báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Tại báo cáo này, Bộ GTVT cho biết dự án đường bộ Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, không có công địa để triển khai thi công trên hiện trường.
Sau khi dự án được khởi công vào ngày 18/6, đến nay, các địa phương đã bàn giao được 120/452ha mặt bằng, đạt tỉ lệ 26,55%.
Trong đó, dự án thành phần 1 chưa bàn giao, dự án thành phần 2 đã bàn giao 5,82% và dự án thành phần 3 đã bàn giao 77,6%.
Dự án sử dụng 6 khu tái định cư, đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng, trong đó Đồng Nai có 4 khu, Bà Rịa Vũng Tàu có 2 khu.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đánh giá công tác bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện đang chậm so với tiến độ yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là từ công tác kiểm đếm chậm, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được phê duyệt, vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch đất an ninh quốc phòng và thủ tục thu hồi đất của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai.
Trong khi đó, thời điểm hiện tại trên thực tế các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 và 2 đều chưa được triển khai xây dựng, vì vậy, tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2023 là khó khả thi.
Để phần nào gỡ nút thắt cho vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào khu tái định cư của dành cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại xã Lộc An và Bình Sơn.
Mặc dù vậy, theo báo cáo của các địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện tại của các dự án thành phần dự kiến sẽ tăng khoảng hơn 3.600 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Điều này sẽ khiến tổng mức đầu tư của dự án tăng khoảng 3.665,2 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022.
Một khó khăn khác là nguồn vật liệu, mặc dù thời điểm hiện tại, các mỏ đất đáp ứng đủ nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường cho các dự án nhưng Bộ GTVT vẫn cảm thấy lo lắng do trong khu vực có các dự án lớn khác đang được triển khai như cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 - TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Việc các dự án lớn đồng loạt triển khai cùng 1 thời gian nên ở giai đoạn này nguồn đất đắp cung cấp cho các dự án thành phần sẽ chưa thể đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công.
Trước những khó khăn trên, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Đồng Nai cần phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện kiểm kê, khảo sát, lập giá đất, phê duyệt phương án bồi thường để tiến hành chi trả, bàn giao mặt bằng cho dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Song song đó, tổng hợp phần chi phí tăng thêm so với chủ trương đầu tư dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 54km, được chia thành 3 dự án thành phần. Tiến độ dự kiến tuyến đường sẽ được hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2026.