Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tham dự lễ khởi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đại diện Bộ GTVT, Bộ KHĐT, Bộ TNMT trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng…
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi đi vào khai thác sẽ tạo dư địa, động lực, không gian phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2026.
Dự án có chiều dài khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5 km), trong đó điểm đầu nối với tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn tránh TP.Biên Hòa, vị trí cách ngã ba Vũng Tàu 6,5 km (cách điểm giao giữa tuyến tránh Biên Hòa với Quốc lộ 51 khoảng 1,5 km); điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 56 thuộc TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, trong đó đoạn 1 từ điểm đầu dự án đến nút giao Long Thành và đoạn 3 từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 24,75m đến 27,00m; đoạn 2 từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp quy mô 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 32,25m đến 34,5m.
Trong giai đoạn hoàn thiện sẽ thực hiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe cao tốc. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 519,64 ha, trong đó: đất dân cư 30,45 ha; đất trồng lúa 34,29 ha; đất trồng cây lâu năm 205,31 ha; đất trồng cây hàng năm 52,63 ha; đất nuôi trồng thủy sản 2,55 ha; đất khác 194,41 ha.
Dự án có tổng mức đầu tư là 17.837 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 (Km0 - Km16) với chiều dài khoảng 16 km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.240 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 (Km16 - Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2 km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sơ bộ tổng mức đầu tư 5.190 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.
Phát biểu tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng giao thông Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được hoạch định là trục cao tốc đảm nhận vai trò vận tải hàng hóa, hành khách.
Dự án kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ với cảng biển cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu, đây là vùng kinh tế động lực lớn nhất cả nước, vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Khi tuyến đường này hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng bộ, hiện đại; góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, giảm tải cho QL51; bảo đảm quốc phòng, an ninh cho khu vực nói chung và cho các địa phương Đồng nai và Bà rịa Vũng tàu nói riêng.
Dự án đi qua khu vực phần lớn có dân cư đông đúc, đặc biệt có nhiều tuyến đường ngang hiện hữu có quy mô lớn nên phải bố trí 6 nút giao khác mức liên thông; 16 cầu vượt trên tuyến chính; 32 cầu vượt trực thông và cầu trong nút giao liên thông; 14 hầm chui.
"Vì tính chất công trình nên các đơn vị tư vấn khảo sát - thiết kế đã nỗ lực thực hiện bám sát kế hoạch; phát động phong trào thi đua trong đơn vị, huy động tối đa nhân vật lực và triển khai cùng lúc nhiều đội nhóm chuyên nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không quản ngại làm việc thêm giờ kể cả ngày nghỉ", đại diện Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng giao thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, ngày hôm nay Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công 2 dự án trọng điểm của tỉnh.
Trong đó có 1 dự án quan trọng Quốc gia, đó là dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Thời gian qua lãnh đạo tỉnh ghi nhận những cố gắng mà Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, Sở Giao thông vận tải, các Sở ngành liên quan đã thực hiện được trong việc triển khai thực hiện dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 và dự án cầu Phước An thời gian qua. Bà Rịa – Vũng Tàu xác định việc đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế nhằm tăng năng lực khai thác Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Do đó thời gian vừa qua, tỉnh đã triển khai rất nhiều dự án giao thông quan trọng, trong đó có 02 dự án lớn và quan trọng nhất, là dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 và dự án cầu Phước An.
Quá trình chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Ban chỉ đạo thực hiện dự án đã thường xuyên họp để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng...
"Việc đầu tư hoàn thành dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 để đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam bộ", ông Thọ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.