Dân Việt

Đổi màu lạ cho một thứ bánh quê 300 năm tuổi, cả làng ở Nghệ An bất ngờ thu tiền tỷ

Thắng Tình 13/09/2023 05:21 GMT+7
Làng nghề Vĩnh Đức ở thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nổi tiếng với bánh đa vừng thơm ngon. Gần đây loại bánh truyền thống bất ngờ nổi bật với nhiều sắc màu, hương vị khác nhau mang về doanh thu tiền tỷ cho dân làng.

Làng nghề làm ra thứ bánh giòn rụp, thơm lừng nổi danh hàng trăm năm

Làng nghề Vĩnh Đức ở thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có tuổi đời hơn 300 trăm năm, nổi danh với sản phẩm bánh đa vừng và kẹo lạc. Qua hàng trăm năm, các sản phẩm của làng nghề Vĩnh Đức vẫn giữ được những hương vị truyền thống cho tới tận hôm nay.

Đổi màu cho loại bánh nổi danh suốt 300 năm, dân nơi này ở Nghệ An bất ngờ thu về tiền tỷ - Ảnh 1.

Hàng trăm năm qua, bánh đa vừng của làng nghề Vĩnh Đức ở thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nổi tiếng xa gần với hương vị thơm ngon. Ảnh: Ng.T

Làng nghề Vĩnh Phúc đã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm bánh đa vừng, kẹo lạc, kẹo cu đơ. Các sản phẩm của làng nghề đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, vào những siêu thị lớn. Hương vị đặc trưng của bánh đa vừng Đô Lương được tạo ra từ việc pha trộn các nguyên liệu, với tỉ lệ nhất định theo bí quyết của từng hộ sản xuất.

Đổi màu cho loại bánh nổi danh suốt 300 năm, dân nơi này ở Nghệ An bất ngờ thu về tiền tỷ - Ảnh 2.

Hiện tại làng nghề Vĩnh Đức, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có 60 hộ làm nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc. Ảnh: Ng.T

Hiện tại, làng nghề hiện có 60 hộ làm bánh đa, tạo việc làm thường xuyên cho 250 lao động địa phương. 

Trước đây người dân làng Vĩnh Đức chủ yếu sản xuất bánh đa thủ công. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã đầu tư thêm máy tráng bánh đa, máy nướng bánh đa vì thế năng suất tăng lên. Nhờ có hệ thống máy móc hiện đại sản phẩm cũng đồng đều và đẹp hơn.

Đổi màu cho loại bánh nổi danh suốt 300 năm, dân nơi này ở Nghệ An bất ngờ thu về tiền tỷ - Ảnh 3.

Ngoài loại bánh truyền thống, tại các sân phơi xuất hiện thêm những chiếc bánh đa đa sắc màu. Ảnh: Ng.T

Bà Võ Thị Hiền (SN 1973, trú tại thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cho biết, việc chọn nguyên liệu làm bánh đa rất quan trọng. 

Theo đóm, loại gạo sử dụng làm bánh là gạo khang dân. Vừng phải chọn loại vừng ngon, hạt tròn mẩy, chắc, nặng, vỏ mỏng. Mỗi nhà có một công thức riêng để pha trộn thêm các nguyên liệu với tỷ lệ khác nhau tạo nên hương vị đặc trưng.

Vào những dịp cao điểm như Tết nguyên đán, bà Hiền huy động tối đa nhân lực trong gia đình và thuê thêm 10 nhân công làm việc mới đáp ứng được các đơn hàng. Mỗi người được phân công nhiệm vụ rõ ràng từ xay gạo, tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh… cho đến khâu đóng gói sản phẩm.

Đổi màu cho loại bánh nổi danh suốt 300 năm, dân nơi này ở Nghệ An bất ngờ thu về tiền tỷ - Ảnh 4.

Bánh đa Vĩnh Đức được nướng trên than hồng thơm ngon, giòn. Ảnh: Ng.T

Sau khi tráng, bánh đa được phơi đến khi khô đều 2 mặt. Khi bánh khô thì phải thu gom nhanh, vì nếu để lâu bánh sẽ bị nứt, vỡ. Khi thu gom bánh, thợ sẽ lấy cả tấm liếp, chất lên xe đẩy cho vào kho. Bánh sẽ được gỡ ra khỏi liếp và làm nguội từ từ.

Gia đình chị Đinh Thị Hồng (SN 1987, trú tại thị trấn Đô Lương) mỗi ngày tráng hết 30 kg nguyên liệu, được 1.000 chiếc bánh đa. 

Chị Hồng vẫn làm bánh đa hoàn toàn thủ công, mặc dù năng suất không cao, nhưng đổi lại bánh đa được nướng bằng tay trên than hồng sẽ "dậy mùi" hơn, giòn hơn, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Đổi màu cho loại bánh nổi danh suốt 300 năm, dân nơi này ở Nghệ An bất ngờ thu về tiền tỷ - Ảnh 5.

Bánh đa gấc và bánh đa khoai lang tím tạo thêm hương vị, màu sắc mới cho các sản phẩm tại làng nghề Vĩnh Đức. Ảnh: Ng.T

Thêm vị, đổi sắc cho bánh đa truyền thống mang lại hiệu quả không ngờ

Cùng sản phẩm bánh đa vừng đen truyền thống, hộ bà Đinh Thị Chung (làng nghề Vĩnh Đức) còn sản xuất bánh đa gấc, bánh đa khoai lang tím. Các loại bánh có màu sắc, mẫu mã đẹp, giá thành sản xuất cao hơn nên có giá bán cao hơn so với bánh đa vừng đen.

Đổi màu cho loại bánh nổi danh suốt 300 năm, dân nơi này ở Nghệ An bất ngờ thu về tiền tỷ - Ảnh 6.

Các công đoạn sản xuất bánh đa gấc, bánh đa khoai lang tím cũng tốn công hơn loại bánh đa truyền thống. Ảnh: Ng.T

Hiện bánh đa Vĩnh Đức được bán với giá 2.500 đồng/chiếc. Trong khi đó bánh đa gấc và bánh đa khoai lang tím được bán với giá 3.500 đồng/chiếc.

Đổi màu cho loại bánh nổi danh suốt 300 năm, dân nơi này ở Nghệ An bất ngờ thu về tiền tỷ - Ảnh 7.

Những người thợ tại làng nghề Vĩnh Đức, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An phơi bánh đa gấc. Ảnh: Ng.T

Với mẫu mã đẹp, màu sắc nổi bật, những năm từ khi sản xuất bánh đa gấc, bánh đa khoai lang tím đã mang lại hiệu quả bất ngờ cho gia đình bà Chung. Các đơn đặt hàng cũng đến nhiều hơn.

Màu sắc của bánh đa được tạo nên hoàn toàn từ những nguyên liệu tự nhiên từ màu của gấc và khoai lang tím. Nhờ vậy ngoài vị thơm, bùi của bánh đa truyền thống, sản phẩm bánh đa gấc và bánh đa khoai lang tím của gia đình bà chung còn có thêm hương vị của gấc, khoai lang tím nên khách hàng rất ưa chuộng.

Đổi màu cho loại bánh nổi danh suốt 300 năm, dân nơi này ở Nghệ An bất ngờ thu về tiền tỷ - Ảnh 8.

Bánh đa gấc và bánh đa khoai lang tím được bán với giá 3.500 đồng/chiếc. Bánh đa vừng truyền thống có giá 2.500 đồng/chiếc. Ảnh: Ng.T

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn chia sẻ, quá trình làm bánh đa gấc và bánh đa khoai lang tím cũng mất thêm nhiều công đoạn và khó khăn. Vì thế giá thành cao hơn.

Cùng với chất lượng, hương vị riêng, các sản phẩm bánh đa làng nghề Vĩnh Đức ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện sản phẩm bánh đa vừng Vĩnh Đức được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước và thông qua một số doanh nghiệp để xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh... 

Trung bình mỗi năm doanh thu của làng nghề bánh đa Vĩnh Đức khoảng 5 tỷ đồng.

Đổi màu cho loại bánh nổi danh suốt 300 năm, dân nơi này ở Nghệ An bất ngờ thu về tiền tỷ - Ảnh 9.

Làng nghề Vĩnh Đức, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, Nghệ An có thêm những sản phẩm mới, thu hút khách hàng. Ảnh: Ng.T

Ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An cho biết: Bánh đa Vĩnh Đức đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Các sản phẩm cũng được tiêu thụ trong những chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc. Hiện tại địa phương cũng đang có những chính sách phù hợp để mở rộng và phát triển làng nghề bánh đa Vĩnh Đức.

Đổi màu lạ cho một thứ bánh quê 300 năm tuổi, cả làng ở Nghệ An bất ngờ thu tiền tỷ - Ảnh 10.