Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 464,5 triệu USD, tăng 14,8% so với tháng 7/2023 và tăng 71,5% so với tháng 8/2022 nhờ sức mua tăng kỷ lục từ Trung Quốc. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Trong tháng 8/2023, trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 266,3 triệu USD, tăng 186,3% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp theo, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay tăng trưởng mạnh phần lớn do bùng nổ đơn hàng tại thị trường Trung Quốc. Năm nay, Trung Quốc mở cửa trở lại sau chính sách Zero covid. Xuất khẩu nông sản sang thị trường này thuận lợi, đơn hàng ồ ạt đổ về.
Đặc biệt, quả sầu riêng của nước ta được xuất chính ngạch vào quốc gia này đã thúc đẩy kim ngạch ngành hàng rau quả tăng trưởng đột phá.
Uớc tính, 8 tháng vừa qua, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 1,3 tỷ USD, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch loại trái cây này của nước ta. Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng được Trung Quốc tăng mua như: chuối, mít, thanh long, dưa hấu...
Tháng 9 này, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia đều kết thúc mùa sầu riêng, trong khi vùng Tây Nguyên nước ta mới bước vào chính vụ thu hoạch rộ. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục bùng nổ. Với tốc độ tăng trưởng như những tháng vừa qua, xuất khẩu rau quả năm nay sẽ thu về trên 5 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong quý III và quý IV/2023, cả nước có khoảng gần 7,6 triệu tấn trái cây chủ lực các loại đưa ra tiêu thụ. Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu hàng rau quả thường đạt mức cao trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu thị trường tăng. Do đó, nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cần chú ý, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận được một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ thực hiện tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, quy định của Trung Quốc nhưng cũng là quy định chung của nhiều thị trường theo thông lệ quốc tế. Thứ nhất là yêu cầu về vùng trồng phải đăng ký; phải quản lý được sinh vật gây hại; được sản xuất theo quy trình đầy đủ có sự giám sát của cơ quan quản lý; đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc… Về cơ sở đóng gói phải đảm bảo quy tắc một chiều; đảm bảo phân khu đầy đủ; yêu cầu hồ sơ ghi chép đầy đủ về quản lý sinh vật gây hại, hồ sơ truy xuất…
Thời gian tới, bà Hương mong muốn Bộ NNPTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng.
Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý mã số tại địa phương… Đối với các địa phương, cần tăng tính chủ động; bố trí đủ nguồn lực để tăng cường thanh tra, kiểm tra; đào tạo tập huấn; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan mã số…
Bà Hương cho biết, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu... đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.
"Tôi rất mong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng nhau nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và các nước xuất khẩu; cùng nhau hợp tác và hỗ trợ để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam", bà Hương nói.