Ngoài sầu riêng, người Trung Quốc rất thích ăn dừa tươi của Việt Nam, mỗi năm có thể xuất khẩu 1 tỷ USD

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 06/09/2023 11:21 AM (GMT+7)
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã lên tới 1,1 tỷ USD. Sau khi hai nước ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi hàng năm sẽ nhanh chóng vượt 1 tỷ USD.
Bình luận 0

Tại chương trình giao lưu, kết nối kinh doanh doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp ĐBSCL do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM tổ chức TP.Cần Thơ vào chiều qua 5/9, ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.Cần Thơ, Giám đốc Công ty Vinatrans chi nhánh tại TP.Cần Thơ cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, dù chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn đạt con số bình quân hơn 10 tỷ USD/tháng.

Sau xuất khẩu sầu riêng, Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc nhanh chóng vượt 1 tỷ USD - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã lên tới 1,1 tỷ USD. Ảnh: Huỳnh Xây

"Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Chỉ 5 tháng đầu năm, gạo xuất khẩu đạt gần 650 ngàn tấn, hơn 364 triệu USD, tăng 63% về lượng, tăng gần 80% so cùng kỳ" - ông Phương nói.

Đối với hàng rau quả, ông Phương nói, sắn đứng hàng thứ 1 và thủy sản đứng thứ 3 chỉ sau Mỹ, Nhật, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Và gần đây việc mở cửa nhập khẩu chính ngạch cho mặt hàng sầu riêng, đã giúp mặt hàng này đạt và vượt 500 triệu USD từ tháng 5 năm nay, chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Ông Phương nhận định, những con số nói trên thật rất ấn tượng. "Đây là những con số biết nói, nói lên được sự cố gắng nỗ lực trong kết nối giao thương giữa hai nước nói chung và giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước nói riêng. Trong đó có sự đóng góp rất lớn nông sản đến từ vùng ĐBSCL" - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.Cần Thơ nói.

Cũng tại chương trình giao lưu, kết nối trên, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường cho biết, Trung Quốc có thị trường rất rộng lớn với dân số 1,4 tỷ người và có nhu cầu khá lớn về nông sản chất lượng cao.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc tiếp tục trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,9%, tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã lên tới 1,1 tỷ USD, thúc đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Về mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7 đạt 180 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau xuất khẩu sầu riêng, Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc nhanh chóng vượt 1 tỷ USD - Ảnh 2.

Sầu riêng được trồng ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngoài ra, Trung Quốc và Việt Nam cũng đang đẩy mạnh thực hiện xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản sang Trung Quốc. Chẳng hạn vào tháng 8 năm nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến thông qua video đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tại Việt Nam, điều này sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho dừa tươi - một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở vùng ĐBSCL thực hiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

Tổng lãnh sự Trung Quốc Ngụy Hoa Tường cho hay, theo dự đoán của các chuyên gia, sau khi hai nước chính thức ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi hàng năm của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt 1 tỷ USD.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam với các loại nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây.

Việt Nam và Trung Quốc đang có lợi thế rất lớn cho giao thương khi 2 nước có liền dãi biên giới trên bộ. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trị giá đạt 48.9 tỷ USD, năm 2022 là 57,7 tỷ USD và 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 30 tỷ USD.

Ngoài các mặt hàng có giá trị cao như điện thoại, linh kiện điện tử thì riêng mặt hàng thủy sản và rau quả chiếm trên 10% tổng kim ngạch, đạt 3.5 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến đạt trên 4 tỷ USD năm 2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem