Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng 49 USD, lên 2.479 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2024 tăng 26 USD, lên 2.362 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York vẫn còn xu hướng tiêu cực. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm thêm 0,5 cent, xuống 151,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 không thay đổi, vẫn ở mức 153,15 cent/lb, các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên sáng nay tăng 800 đồng, lên dao động trong khung 65.500 - 66.500 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 65.500 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 66.100 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua 66.300 đồng/kg, tăng 700 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.500 đồng/kg, tăng 700 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Giá cà phê Robusta lấy lại sức tăng của phiên trước đó, trong khi Arabica bị sức bán đuổi khá mạnh từ Brazil cản trở do tỷ giá đồng Reais vẫn còn đang ở mức cao của ngày hôm qua hỗ trợ.
Thị trường nhìn thấy Việt Nam xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2023 đã giảm 5,37% so với cùng kỳ năm trước, cho dù lũy kế xuất khẩu 11 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã tăng 3,87% so với cùng kỳ niên vụ trước, góp phần khẳng định nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu đã cạn kiệt, trong khi đến cuối tháng 12 Việt Nam mới có hàng vụ mới.
Theo một khảo sát, sản lượng cà phê vụ mùa sắp thu hoạch của Việt Nam dự kiến giảm hơn 7% xuống 1,67 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm qua. Điều này đã khiến các nhà giao dịch quay lại thị trường kỳ hạn London đẩy mạnh mua vào.
Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cécafé) vừa báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 8 đạt 3,673 triệu bao cà phê các loại, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu cà phê Arabica tăng 11,2% với 2,65 triệu bao và cà phê Conilon Robusta tăng tới 443% với 699 nghìn bao.
Báo cáo chỉ số CPI tháng 8 của Mỹ đã củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì lãi suất hiện hành mà không tăng thêm.
Dự báo giá cà phê Robusta có khả năng sẽ phục hồi hơn nữa trong ngắn hạn do thị trường vẫn còn mối lo thiếu hụt nguồn cung. Thị trường lo ngại về hiện tượng thời tiết El Nino dự báo xuất hiện vào cuối năm nay và sẽ gây khô hạn một phần cho các quốc gia sản xuất cà phê chính quanh vành đai Thái Bình Dương, trong khi khối lượng cà phê được chứng nhận trên cả hai sàn vẫn ở mức rất thấp.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, kiến là côn trùng thuộc họ Formicidae, bộ cánh màng Hymenoptera. Các loài trong họ này có tính xã hội cao, có khả năng sống thành tập đoàn lớn có tới hàng triệu con. Nhiều tập đoàn kiến còn có thể lan tràn trên một khu vực đất rất rộng, hình thành nên các siêu tập đoàn. Các tập đoàn kiến đôi khi được coi là các siêu cơ quan vì chúng hoạt động như một thực thể duy nhất.
Trên vườn cà phê có nhiều loài kiến sống và làm tổ như kiến vàng (Oecophylla smaragdina), kiến đen (Dolichoderus thoracicus), kiến lửa đỏ (Solenopsis invicta), kiến lửa nhỏ (Wasmannia auropunctata),... Đa số các loài kiến là những thiên địch có ích trong vườn cà phê (thiên địch của các loài sâu đục thân, mọt đục cành, ve sầu, các loại rầy rệp,…).
Tuy nhiên cũng có loài gây hại trực tiếp như hút nhựa cây, cắn rách lá, na đất lên cây xây tổ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cà phê. Kiến còn là vật trung gian giúp các loại rệp có thể lan truyền, phát tán từ cây này sang cây khác. Trong mùa thu hoạch, kiến còn gây khó khăn cho người trực tiếp thu hái.
Đối với bà con canh tác cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thường chỉ chú trọng tới kiến trong mùa thu hoạch bởi vì nó gây khó khăn cho người trực tiếp thu hái như tiết ra chất thải làm cay mắt, kiến cắn gây đau rát, ngứa ngáy khó chịu. Một số bà con nông dân sử dụng biện pháp dùng bình thuốc diệt muỗi nhỏ (hoạt chất Cypermethrin) xịt trực tiếp vào ổ để diệt kiến trong lúc thu hoạch. Một số khác thì áp dụng biện pháp làm bẫy bã để diệt kiến bằng thuốc có hoạt chất Fipronil.
Hiện nay, hoạt chất Fipronil chưa được đăng ký sử dụng để phòng trừ kiến, đồng thời vùng cà phê tại một số huyện có trồng xen với cây chè nên không được khuyến cáo sử dụng hoạt chất này để diệt kiến vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng nguyên liệu chè.
Để phòng trừ kiến hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp sau:
Vệ sinh vườn sạch sẽ, dọn sạch các cành cây khô, cỏ rác trong vườn để không cho kiến có nơi ẩn náu.
Để diệt kiến có thể dùng thuốc xịt muỗi với quy mô vườn nhỏ, nếu nơi có diện tích lớn thì cần thiết phải làm bã mồi diệt kiến hiệu quả và rẻ tiền.
Việc sử dụng các loại bã mồi để thu hút và tiêu diệt kiến đang được khuyến khích ứng dụng rộng rãi, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật phun trực tiếp lên cây nhằm bảo vệ môi trường và dư lượng thuốc tồn lưu trong sản phẩm lúc thu hoạch. Nên dùng thuốc xua đuổi hơn là tiêu diệt kiến.
Có thể sử dụng hàn the (borac, natri tetraborat - được xem là thuốc trừ sâu thiên nhiên) trộn với bơ đậu phộng hoặc mật ong, kiến sẽ mang thức ăn vào tổ cho cả đàn cùng ăn và sẽ tiêu diệt cả đàn kiến.
Trường hợp khi mật độ kiến xuất hiện cao và gây hại nhiều trên cây cà phê trong vườn thì dùng thuốc chuyên dụng đăng ký trong dang mục thuốc được phép sử dụng gốc Alpha - Cypermethrin (Alpha 10SC, Motox 2.5EC liều lượng 0,8 – 1,2 lít/ha), Cypermethrin (Tungrin 5EC, sử dụng với liều lượng 1,8 – 2 lít/ha) để phun diệt kiến.
Chú ý không nên sử dụng bã và thuốc thường xuyên để diệt kiến vì các loài kiến có ích sẽ đến ăn và bị tiêu diệt, dễ làm phát sinh các loài sâu hại trên vườn cà phê. Chỉ nên phun thuốc những cây có kiến và không được phun thuốc trước thu hoạch 14 ngày.