Theo Cục Bảo vệ thực vật, Tiền Giang là tỉnh có số vi phạm về mã số vùng trồng nhiều nhất cả nước. Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị "Sơ kết vụ hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2023 tại vùng ĐBSCL" do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày hôm qua (14/9), theo yêu cầu của ban tổ chức, ông Trần Hoàng Nhật Nam - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang đã giải thích một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Theo ông Nam, khi triển khai cấp mã số vùng trồng, địa phương đã chỉ đạo quán triệt, yêu cầu UBND các xã, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, do tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn trái lớn, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, doanh nghiệp rất nhiều trong khi đó nhân lực giám sát còn hạn chế, đã đến đến các vi phạm về mã số vùng trồng.
Về giải pháp khắc phục tình trạng trên, Sở NNPTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể để tiến hành kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh lại tình trạng vi phạm của các hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp về mã số vùng trồng.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt vấn đề này (chấn chỉnh lại tình trạng vi phạm về mã số vùng trồng - PV)" - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến thời điểm hiện tại, mã số vùng trồng cây ăn trái được cấp và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 279 mã số với diện tích trên 20.300 ha (phục vụ cho xuất khẩu). Trong đó, 71 mã số vùng trồng cây mít Thái với diện tích trên 8.500 ha, 78 mã số vùng trồng thanh long với diện tích trên 6.100 ha, 32 mã số vùng trồng xoài với diện tích trên 1.500 ha...
Trong 279 mã số vùng trồng nói trên, Tiền Giang có 183 mã số được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích trên 19.150 ha, với 7 chủng loại cây trồng gồm mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chôm chôm, nhãn và sầu riêng.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, đơn vị này đã nhận nhiều đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng không tuân thủ kiểm dịch thực vật với hàng xuất khẩu (chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, ớt). Trong đó, tỉnh Tiền Giang là tỉnh có số lượt vi phạm nhiều nhất với 267 trường hợp.
Được biết, tính đến hết tháng 7/2023, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang) sang 11 thị trường (Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia, Singapore).
Trong đó, vùng ĐBSCL là vùng có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã số vùng trồng (chiếm 57%) đang hoạt động. Tính đến tháng 7/2023, Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp cho các sản phẩm xoài, sầu riêng, lúa, ổi, cây có múi...phục vụ xuất khẩu. Đây là tỉnh có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất cả nước.
Liên quan đến vấn đề mã số vùng trồng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung cho biết, trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm.
Theo ông Trung, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhiều lần liên tiếp cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh nhưng chuyển biến ở các địa phương qua việc quản lý, cấp mã số vùng trồng tiến triển rất chậm, thậm chí có những nơi còn tệ hơn.
Trong thời gian tới, ông Trung mong các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương quan tâm, lưu ý hơn khi cấp và quản lý mã số vùng trồng, phải tuân thủ theo các yêu cầu của nghị định thư, cũng như đáp ứng các quy định của nhà nhà nhập khẩu.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang, riêng về sầu riêng, đến cuối năm 2023 toàn tỉnh sẽ có 70% diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng (khoảng 10.128 ha). Đến năm 2024, tỉnh này dự kiến có thêm 2.401 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng.
Về các loại cây trồng khác, Tiền Giang phấn đấu trong năm 2023 có 18.082 ha được cấp mã số vùng trồng, gồm: dừa 3.140 ha, thanh long 1.722 ha, mít 993 ha, bưởi 496 ha, lúa 9.535 ha.