Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Không quản lý chặt mã số vùng trồng, hệ lụy rất nghiêm trọng

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 14/09/2023 15:03 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung mong các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương quan tâm, lưu ý hơn khi cấp và quản lý mã số vùng trồng, phải tuân thủ theo các yêu cầu của nghị định thư ký với Trung Quốc cũng như đáp ứng các quy định của nhà nhà nhập khẩu.
Bình luận 0

Hôm nay 14/9, tại TP.Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND TP.Cần Thơ tổ chức hội nghị "sơ kết vụ hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2023 tại vùng ĐBSCL".

Nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu, sầu riêng miền Tây bán đi đâu? - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung, trong 8 tháng đầu năm, riêng Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm. Ảnh: Huỳnh Xây

Tại đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cho biết: "Hiện nay, chúng ta có gần 7.000 mã số vùng trồng. Tuy nhiên, việc quản lý mã số vùng trồng không như mong muốn, đang diễn biến phức tạp".

Cụ thể, theo Thứ trưởng, trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm.

Ông Trung nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhiều lần liên tiếp cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh nhưng chuyển biến ở các địa phương qua việc quản lý, cấp mã số vùng trồng tiến triển rất chậm, thậm chí có những nơi còn tệ hơn.

Nếu cứ tiếp tục vi phạm về mã số vùng trồng, trong thời gian tới, theo ông Trung, Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp tăng cường như cho ngừng nhập khẩu.

"Và với diện tích sầu riêng hiện nay, chúng ta bán đi đâu. Kể cả thanh long, xoài nữa, cũng như vậy. Khi đó chúng ta yêu cầu đàm phán lại thì mất thời gian từ 3-5 năm nữa" - ông Trung nói.

Thứ trưởng Trung nói thêm, 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam đều có mặt ở Trung Quốc, chỉ cần dừng xuất khẩu một loại thôi, đã không ổn, sẽ dễ dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng.

Chính vì lý do trên, ông Trung mong các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương quan tâm, lưu ý hơn khi cấp và quản lý mã số vùng trồng, phải tuân thủ theo các yêu cầu của nghị định thư, cũng như đáp ứng các quy định của nhà nhà nhập khẩu.

Nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu, sầu riêng miền Tây bán đi đâu? - Ảnh 2.

Thu hoạch sầu riêng ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, đơn vị này đã nhận nhiều đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng không tuân thủ kiểm dịch thực vật với hàng xuất khẩu (chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, ớt). Trong đó, tỉnh Tiền Giang là tỉnh có số lượt vi phạm nhiều nhất với 267 trường hợp.

Được biết, tính đến hết tháng 7/2023, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang) sang 11 thị trường (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia, Singapore).

Trong đó, vùng ĐBSCL là vùng có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã số vùng trồng (chiếm 57%) đang hoạt động. Tính đến tháng 7/2023, Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp cho các sản phẩm xoài, sầu riêng, lúa, ổi, cây có múi...phục vụ xuất khẩu. Đây là tỉnh có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất cả nước.

Cũng tại hội nghị sơ kết vụ hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2023 tại vùng ĐBSCL, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Lê Văn Thiệt cho biết, hầu hết các địa phương mới chỉ quan tâm đến hướng dẫn thiết lập và cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực cho giám sát các mã số vùng trồng sau khi được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thực tế nhiều lô hàng vi phạm phải nhận cảnh báo từ cơ quan kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu hoặc buộc phải quay đầu xe ngay tại các cửa khẩu của Việt Nam do phát hiện có đối tượng kiểm dịch thực vật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem