Diện tích sầu riêng đang tăng "nóng", đã có bao nhiêu mã số vùng trồng được cấp xuất khẩu sang Trung Quốc?

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 25/08/2023 10:11 AM (GMT+7)
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), mã số vùng trồng được cấp đối với sầu riêng "tăng nhanh" từ khi Việt Nam ký Nghị định thư với Trung Quốc. Theo quy hoạch đến 2030, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 - 75.000ha nhưng nay đã tăng trên 112.000ha.
Bình luận 0

Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, mã số vùng trồng được cấp đối với sầu riêng "tăng nhanh" từ khi Việt Nam ký Nghị định thư với Trung Quốc. Hiện, đã có 422 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp.

Tháng 7/2022, Nghị định thư về thương mại sầu riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký đã "mở đường" cho loại quả này có giá trị tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, việc có thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là tin vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. 

Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn.

Diện tích sầu riêng tăng "nóng", đã có bao nhiêu mã số vùng trồng được cấp xuất khẩu sang Trung Quốc? - Ảnh 1.

Nông dân huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) phấn khởi khi trồng sầu riêng trúng mùa, trúng giá, tháng 1/2022. Ảnh: Lê Ngọc

Theo Bộ NNPTNT, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới. Trong giai đoạn 2015 - 2021, khối lượng xuất khẩu trái sầu riêng hàng năm vào khoảng 10.000 - 15.000 tấn.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt 876 triệu USD (95% thị trường Trung Quốc), tăng tới 832 triệu USD so với 44,2 triệu USD của cùng kỳ năm 2022.

Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ NNPTNT, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 - 75.000ha, sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng sầu riêng trên cả nước trên 112.000ha (tăng hơn 27.000ha so năm 2021), sản lượng trên 863.000 tấn.

Nêu khó khăn tại hội nghị "Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói", ngày 24/7, đại diện Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đắk Lắk cho biết, sầu riêng đang là cây trồng chính của tỉnh. Hiện tính liên kết, tổ chức cấp và quản lý vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với HTX chưa chặt chẽ.

"Ngay cả những cơ sở, tổ chức được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng chưa có ý thức bảo vệ mã được cấp. Người được cấp phải có hiểu biết, nắm bắt tất cả những vấn đề liên quan đến Nghị định thư...", đại diện tỉnh Đắk Lắk cho hay.

Một vấn đề nữa, đó là hiện nay, cây sầu riêng đang mang lại giá trị cao, tuy nhiên nhiều người dân tự ý mở rộng diện tích. Nếu quản lý không tốt thì diện tích sầu riêng sẽ gia tăng, làm phá vỡ quy hoạch; công tác thu hoạch sầu riêng của một số cơ sở cũng chưa đạt chuẩn.

Diện tích sầu riêng tăng "nóng", đã có bao nhiêu mã số vùng trồng được cấp xuất khẩu sang Trung Quốc? - Ảnh 2.

Mã số vùng trồng được cấp theo sản phẩm. Biểu đồ: Cục BVTV

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích sầu riêng của tỉnh khoảng 22.500ha, sản lượng đạt 188.000 tấn (vượt quy hoạch gần 7.500 ha). Toàn tỉnh đã được cấp 49 mã vùng trồng với diện tích gần 2.000ha và 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Đã có một số nơi tại địa phương, người dân nhận thức chưa đầy đủ và chuyển đổi cây trồng từ cà phê, tiêu... sang sầu riêng để cải thiện thu nhập. Hiện tượng này dễ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Trong đó, hệ lụy dễ thấy nhất là nguồn cung vượt cầu, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu... ảnh hưởng lớn đến uy tín đối với mặt hàng nông sản này của tỉnh".

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở cũng đã khuyến cáo các địa phương nhắc nhở người dân không ồ ạt trồng sầu riêng. Nếu có chuyển đổi cây trồng, bà con phải đảm bảo những yêu cầu điều kiện mà cơ quan chức năng đã đặt ra. Ví dụ, vùng trồng phải xác định được gieo sầu riêng là phù hợp, khí hậu thuận lợi, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng giống và chứng nhận liên kết hợp tác để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển thì phải đảm bảo giống, khuyến khích sử dụng các loại giống và quy trình có thể rải vụ, hoặc là trái vụ làm gia tăng hiệu quả. Đặc biệt phải có sự hợp tác, liên kết để tạo ra các vùng trồng tập trung, đồng nhất về chất lượng, tuân thủ các quy định về mã vùng trồng, rồi truy xuất được nguồn gốc và hướng đến xây dựng thương hiệu đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Diện tích sầu riêng tăng "nóng", đã có bao nhiêu mã số vùng trồng được cấp xuất khẩu sang Trung Quốc? - Ảnh 3.

Mô hình trồng sầu riêng của anh Lê Sỹ Hòa (thôn 8, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Văn Long

Tại họp báo diễn ra ở TP. HCM hôm 22/8, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, khi được khơi thông thị trường xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, giá sầu riêng trong nước tăng vọt vì vậy người dân đổ xô sang trồng sầu riêng, điều này dẫn đến nguy cơ gặp nhiều rủi ro mất giá trong tương lai.

Theo ông Phi, hiện nay nhiều nông dân tỉnh Tiền Giang đã chuyển sang trồng sầu riêng. "Khi được khơi thông thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng tăng vọt, hiện tại đang có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg. Do đó nhiều người chuyển sang trồng sầu riêng", ông nói.

Hiện, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang trên 35.000ha (đã tăng 20 - 30% so với năm 2022), trong đó có 18.000ha đang cho trái.

"Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo cần có lộ trình, không vội vàng tăng diện tích dễ gây rủi ro; nguồn cung quá lớn sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ… nhưng nông dân vẫn không ngừng mở rộng diện tích trồng sầu riêng", ông Phi cho biết.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem