Hiện nay cả nước có tới 63 trung tâm dịch vụ việc làm công, thuộc sự quản lý của Sở LĐTBXH các tỉnh thành phố. Các trung tâm là đơn vị chính để tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Tuy số lượng phiên nhiều nhưng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của phiên luôn là câu hỏi lớn.
Theo các chuyên gia việc làm, phiên giao dịch việc làm là cơ hội để người lao động và doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối cung - cầu lao động, đồng thời cũng là nơi để thu nhập thông tin dự báo thị trường lao động. Vì vậy, ngoài tăng cường số lượng thì chất lượng các phiên giao dịch việc làm cũng cần được đẩy mạnh, đa dạng hơn nữa.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Nguyễn Duy Xuyên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa cho biết, mỗi năm trung tâm tổ chức từ 20-30 phiên giao dịch. Số lượng các phiên tương đối nhiều nhưng làm thế nào để nâng cao hiệu quả của các phiên là điều khiến ông và cán bộ trung tâm luôn suy nghĩ, trăn trở.
“Thực tế, tổ chức thế nào để có thể nghiệm thu thanh quyết toán, đồng thời đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm sau phiên giao dịch là việc không hề đơn giản”, ông Xuyên nói.
Tương tự, tại Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội cũng vậy. Có tháng diễn ra vài phiên giao dịch việc làm nhưng việc nâng cao hiệu quả giao dịch luôn là thách thức và là áp lực không hề nhỏ với cán bộ, nhân viên của trung tâm.
Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, phiên giao dịch việc làm là nơi cung cấp thông tin về thị trường lao động tốt nhất cho người lao động và doanh nghiệp. Khi tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm thì cơ hội để doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ cũng tăng theo.
Người lao động sẽ được cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường lao động; thúc đẩy họ tích cực tham gia vào thị trường lao động, nhanh chóng đáp ứng quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giúp thị trường lao động minh bạch hơn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2020 -2025 cũng có Tiểu dự án 3.4 về hỗ trợ việc làm bền vững. Theo đó, tiểu dự án có nội dung liên quan tới tổ chức các phiên giao dịch việc làm qua đó nhằm thu nhập dữ liệu về thị trường lao động. Đồng thời tư vấn kết nối việc làm cho lao động, ưu tiên lao động nghèo, lao động ở vùng đặc biệt khó khăn.
"Chúng ta không nên nặng nề việc tăng hay giảm số lượng phiên. Bởi, vai trò của các phiên giao dịch việc không đơn giản chỉ là kết nối cung – cầu lao động. Ở đây, chúng ta đang tận dụng tối đa các nguồn lực để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn; làm sao đưa hai bên tham gia vào hệ thống một cách tính cực hơn" - ông Thành thông tin.
Vị phó giám đốc cũng tiết lộ, trước khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đơn vị này đều tiến hành khảo sát thực trạng, đánh giá nguồn cung – cầu. Trung tâm cũng thực hiện xây dựng dữ liệu lao động để nâng cao hiệu quả của các phiên giao dịch việc làm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc cần làm là phải nâng cao, đa dạng các phiên giao dịch việc làm, cũng như cách thức tổ chức.
“Bối cảnh cách mạng 4.0 đặt ra nhiều vấn đề trong việc tận dụng công nghệ để kết nối trực tuyến. Người lao động và doanh nghiệp có thể ngồi nhà mà vẫn tham gia được vào các phiên giao dịch trực tuyến. Điều này vừa tiết kiệm chi phí tổ chức, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho cả doanh nghiệp và người lao động vì không phải di chuyển và tham gia trực tuyến”, ông Quảng nói.
Ông Quảng cũng đề xuất, thị trường lao động đòi hỏi người lao động có những kỹ năng, chuyên môn tối thiểu, nhất định. Khi thị trường đòi hỏi thì người sử dụng lao động, người lao động phải thay đổi, hoàn thiện các khiếm khuyết.
Các cơ sở đào tạo nghề cần phổ biến, đưa các chính sách về pháp luật để người lao động nắm rõ, từ đó, họ có thể hiểu các quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng cần có tiêu chí chung dành cho người lao động khi vào làm việc. Những kỹ năng cụ thể, doanh nghiệp cần vào cuộc cùng để người lao động nắm rõ. Hiện nay, luật pháp Việt Nam cũng đã quy định rõ trách nhiệm đào tạo của người sử dụng lao động.
Theo báo cáo của các địa phương, trung bình mỗi năm, hơn 1.600 phiên giao dịch việc làm đã được tổ chức.
Bình quân, mỗi phiên giao dịch thu hút từ 25-30 doanh nghiệp; khoảng 350-450 người lao động tham gia. Số lao động tìm được việc làm qua các phiên giao dịch việc làm chiếm khoảng 35 đến 40% số lao động đăng ký tư vấn việc làm.
Tại các phiên giao dịch việc làm, các đơn vị cũng tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động với thông tin của hơn 20 triệu hộ gia đình và gần 400 nghìn doanh nghiệp được cập nhật hằng năm.
Thông tin trên được đưa ra tại Báo cáo tổng kết dự án phát triển thị trường lao động và việc làm giai đoạn 2016-2020, nhằm đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong Dự án và định hướng các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Bộ LĐTBXH.
Hiện nay Bộ LĐTBXH cũng đang tích cực hoàn thiện Sàn giao dịch việc làm quốc gia từ đó kết nối, liên thông các hệ thống sàn giao dịch trong cả nước. Khi đưa vào sử dụng, sàn giao dịch việc làm quốc gia sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của phiên giao dịch việc làm trong cả nước. Khi đó, người lao động có thể ngồi nhà mà vẫn tìm kiếm được việc làm trong cả nước, và ngược lại doanh nghiệp cũng vậy.