Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 472.000 tấn phân bón, tương đương 159 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 85% về giá trị so với tháng 7.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhập khẩu phân bón đạt gần 2,5 triệu tấn, tương đương 833 triệu USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá phân bón nhập khẩu trong tháng 8 ở mức 338 USD/tấn, tăng 19% so với tháng 7 nhưng giảm 26% so với tháng 8/2022.
Bình quân 8 tháng đầu năm, giá phân bón nhập khẩu ước đạt 347 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.
8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là nguồn cung phân bón lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 50% tổng lượng phân bón nhập khẩu. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,2 triệu tấn phân bón từ Trung Quốc, tương đương 375 triệu USD, tăng 15 về lượng và 14% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Ở một diễn biến khác, thông tin từ Bloomberg, một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng này theo yêu cầu của Chính phủ và hạn chế này chỉ áp dụng đối với phân ure.
Hợp đồng tương lai urea giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng gần 50% trong khoảng thời gian 7 tuần từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7, nhưng giá đã biến động mạnh sau đó và giảm khoảng hơn 11% trong tuần này.
Trên sàn giao dịch hàng hóa, hợp đồng tương lai ure đã tăng gần 50% từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7. Nhưng sau đó giá biến động mạnh và giảm hơn 11% sau chỉ đạo của Trung Quốc.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ urea hàng đầu thế giới. Bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong xuất khẩu đều có nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá phân bón toàn cầu tăng cao. Các thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của quốc gia này là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar và Australia.
Sau Trung Quốc, Nhật Bản là thị trường cung cấp phân bón lớn thứ hai cho Việt Nam với hơn 225.000 tấn, tương đương 21 triệu USD, giảm 14% về lượng và giảm 49% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn cung phân bón từ Nhật Bản chiếm khoảng 9% tổng lượng nhập khẩu phân bón của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu phân bón từ Lào trong 8 tháng đầu năm lại tăng 110% về lượng và tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ, lên còn 185.793 tấn và 66 triệu USD.
Trong nước, diễn biến thị trường ure cũng theo sát thị trường urea thế giới. Từ 7/9, giá ure trong nước đã có dấu hiệu tăng theo giá thế giới. Cụ thể, giá urea Cà Mau (tại nhà máy) ngày 7/9 là 11.200 đồng/kg, tăng so với ngày 6/9 (10.000 đồng/kg). Giá urea Phú Mỹ tại khu vực Sài Gòn/Long An là 10.400 - 10.600 đồng/kg; Urea Ninh Bình 9.500 đồng/kg; Urea Hà Bắc 9.650 đồng/kg.
Đối với phân đạm Cà Mau, Phú Mỹ tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tuần trước; các loại khác như: NPK, DAP… tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg tùy loại. Theo nhiều nông dân, nguyên nhân dẫn đến giá phân bón tăng là do “ăn theo” giá lúa. Mặt khác, do thị trường phân bón trên thế giới đều tăng giá nên giá phân bón trong nước cũng điều chỉnh tăng theo.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), giá phân bón trong nước sẽ duy trì xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2023 để bắt kịp đà tăng của giá ure thế giới. Ước tính nửa cuối năm 2023, giá ure trong nước có thể tăng lên mức 11.500 - 11.800 đồng/kg, tương ứng 25 - 30% so với mức đáy đầu tháng 6.
Theo ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá ure thế giới đã tăng từ ngày 7/9 do hiện tại Nga và Trung Quốc cũng đã hạn chế xuất khẩu ure. Mặc dù hiện tại không phải là cao điểm của mùa vụ trong nước nhưng giá phân bón trong nước cũng đã tăng theo đà tăng giá của ure thế giới. Theo đà tăng này, dự báo đến vụ Đông Xuân năm nay, khi cả nước bước vào cao điểm mùa vụ, giá ure sẽ còn tăng tiếp.