Nông dân trồng lúa Sóc Trăng có cách gì né "bão giá" phân bón tăng gấp đôi?
Nông dân trồng lúa Sóc Trăng có cách gì né "bão giá" phân bón tăng gấp đôi?
Thứ bảy, ngày 26/11/2022 08:41 AM (GMT+7)
Từ năm 2021 đến nay, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, gây ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất lúa, hoa màu của bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài giá vật tư nông nghiệp tăng thì trong các tháng gần đây, giá xăng dầu cũng tăng, kéo theo nhiều dịch vụ khác, như: xới, bơm tưới, gặt… tăng giá, làm giảm lợi nhuận sau thu hoạch.
Ông Phạm Văn Nhỏ, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: “Kể từ vụ lúa Đông - Xuân năm 2021 đến nay, lợi nhuận sau thu hoạch lúa không còn tốt như trước, bởi giá phân bón tăng gấp đôi, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng lên 20 - 30%. Cụ thể khoảng giữa năm 2021 đến nay, giá phân bón tăng mạnh, có thể kể như phân DAP đang có giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng/bao tăng vọt lên 1,4 triệu đồng/bao".
Ông Võ Văn Phúc (bìa trái), xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) dần chuyển việc sử dụng phân vô cơ sang dùng phân hữu cơ cho ruộng lúa. Ảnh: THÚY LIỄU
Cũng theo lời ông Nhỏ, trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, giá phân có loại còn tăng tiếp lên 10 - 20%, kèm thêm giá xăng dầu tăng nên ngay từ đầu vụ xuống giống lúa, chi phí thuê máy xới đất tăng lên 10%, công lao động dọn đồng trước gieo sạ, làm cỏ... trước đây có giá thuê mướn 150.000 đồng/người/ngày thì nay đã tăng lên 200.000 đồng/người/ngày.
Ông Nhỏ nhẩm tính, để có lợi nhuận sau thu hoạch, năng suất lúa phải đạt trên 7 tấn/ha và giống gieo trồng phải là lúa đặc sản, lúa chất lượng cao thì nông dân mới có lời bình quân 15 - 20 triệu đồng/ha.
Cũng trăn trở nhiều khi đã qua vài vụ lúa, kể từ khi giá phân bón tăng gấp đôi, gấp ba nhưng không có chiều hướng giảm giá, ông Võ Văn Phúc, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú, bộc bạch: “Tôi có 4ha sản xuất lúa 2 vụ/năm.
Theo ông Phúc, không giống như các loại cây trồng khác, việc chăm sóc cây lúa gặp rất nhiều rủi ro do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường nên thường người dân sản xuất lúa lợi nhuận sau thu hoạch không nhiều, 1ha cho thu nhập tầm 35 triệu đồng được xem là vụ mùa bội thu.
Cây lúa muốn tốt nhờ phân, giá phân tăng làm tăng chi phí đầu tư mùa vụ, ước tính 1ha lúa chi phí đầu tư khoảng 30 triệu - 32 triệu đồng, chi phí lớn nhưng lúa năng suất tầm 5,5 - 6,5 tấn/ha và giống lúa thường, giá bán ở mức 5.500 - 6.000 đồng/kg xem như không có lời, thậm chí thua lỗ.
Do đó, để giảm chi phí mùa vụ, ông Phúc hạn chế dùng phân bón vô cơ, chuyển sang sử dụng phân hữu cơ trong vụ lúa Hè - Thu năm 2022 vừa qua nên lợi nhuận thu về tầm 25 triệu đồng/ha.
"Hiện vụ lúa Đông - Xuân này, tôi vẫn đang tiếp tục dùng phân hữu cơ để tiếp tục thu về lợi nhuận tốt cho mùa vụ lúa đón tết Nguyên đán năm 2023”, ông Phúc nói.
Vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, diện tích xuống giống toàn tỉnh ước 171.000ha, đến thời điểm hiện tại lúa đang sinh trưởng tốt. Theo đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, để giảm chi phí sản xuất trước tình hình phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xăng dầu tăng giá, khuyến cáo bà con nông dân áp dụng các gói kỹ thuật canh tác lúa là “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng hợp lý phân bón trên ruộng lúa,.
Nông dân cũng cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật, chỉ tiến hành phòng trừ dịch hại khi đến ngưỡng phòng trừ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Bên cạnh đó, để lúa tăng chất lượng và năng suất sau thu hoạch, bà con nông dân cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, kịp thời ứng phó ảnh hưởng xâm nhập mặn, chú ý việc gia cố bờ bao để chống rò rỉ và tích trữ nước ngọt.
“Theo dõi diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại, chủ động có kế hoạch đối phó, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra ở mức thấp nhất.
Đối với một số địa phương đang tiếp tục xuống giống vụ lúa Đông - Xuân, khuyến cáo bà con nông dân sử dụng giống xác nhận trong sản xuất, thay đổi cơ cấu giống, sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ” - đồng chí Trần Vĩnh Nghi chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.