Tiếp tục chương trình làm việc với các cơ quan của EC tại Brussels (Bỉ), ngày 19/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan đã có các phiên làm việc với ông Virginijus Sinkevičius - Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá và bà Florika Fink-Hooijer - Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Môi trường về Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam về việc tuân thủ Quy định EUDR không chỉ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, mà đây còn là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành: Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững - Tăng trưởng xanh.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngay khi EC thông qua Quy định EUDR, Bộ NNPTNT đã có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu ở cả cấp kỹ thuật và cấp lãnh đạo EC, từ đó nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị khung kế hoạch hành động thích ứng, trong đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và phân công các cơ quan chuyên môn của triển khai thực hiện.
Ngày 29/6, Bộ NNPTNT đã tổ chức ký kết Bản ghi nhớ với Sở NNPTNT 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum; Lâm Đồng), Hiệp hội ngành hàng và các đối tác quốc tế liên quan nhằm phối hợp thực hiện hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng; Sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Bộ NNPTNT cũng đã gửi thư cho các lãnh đạo các tỉnh, thành phố để phối hợp thực hiện. "Với sự hợp tác và cùng hành động của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương tới địa phương, Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng và bà con nông dân, hiện nay, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng bị ảnh hưởng đã tự tin hơn và đã bắt đầu triển khai các hoạt động để thích ứng với EUDR", ông Hoan chia sẻ tại buổi làm việc với các cơ quan của EC.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn chia sẻ, việc áp Quy định EUDR sẽ tác động trực tiếp đến một số chuỗi cung ứng ngành hàng và sinh kế của nông hộ, đặc biệt, các nông hộ quy mô nhỏ vốn chiếm tỷ lệ chi phối ở Việt Nam.
"Các chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, triển khai hệ thống giám sát chống phá rừng", ông Hoan nói.
Để thích ứng với EUDR, trong bối cảnh các tác nhân tham gia chuỗi giá trị ngành hàng ở Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan EC tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Thứ nhất, đề nghị EC có quy trình, lộ trình cụ thể đối với việc thực thi EUDR. Nhanh chóng ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho các ngành hàng bị ảnh hưởng để chuẩn bị đáp ứng Quy định EUDR có hiệu lực vào tháng 1/2025.
Thứ hai, có giải pháp giảm thiểu chi phí cho các tác nhân trong chuỗi giá trị trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc. Phân rõ sản xuất theo mức độ nguy cơ và giảm thiểu yêu cầu về định vị, truy xuất nguồn gốc đối với vùng an toàn.
Thứ ba, đề nghị EU phối hợp với Bộ NNPTNT và các tổ chức quốc tế như IDH và các tổ chức chứng nhận khác dựa trên mức độ thông tin khái quát hiện có, để xác minh mức độ rủi ro của các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam nhằm áp dụng các biện pháp phù hợp.
Thứ tư, đề nghị EC xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa Việt Nam thành trường hợp điển hình hỗ trợ của EU và các đối tác thực hiện thích ứng với Quy định chống phá rừng EU. Trong đó, cần quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thực thi Quy định chống phá rừng EU như hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin, bản đồ hiện trạng rừng, truy xuất nguồn gốc…
Thứ năm, đề nghị EC hỗ trợ xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi EUDR.
Thứ sáu, thiết lập đường dây nóng xử lý vấn đề trong thực thi Quy định chống phá rừng EU.
Tại các phiên làm việc, ông Virginijus Sinkevičius - Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá và bà Florika Fink-Hooijer - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Môi trường bày tỏ thông điệp của Việt Nam về việc biến thách thức thành cơ hội đã tạo cảm hứng cho EC trong làm việc với các đối tác, là hình mẫu toàn cầu về thích ứng Quy định EUDR và phát triển bền vững. Các cơ quan EC đánh giá cao hành động nhanh chóng và sẵn sàng của Việt Nam trong việc thích ứng với EUDR.
Cao ủy và Tổng vụ trưởng cho biết cách làm của Việt Nam đã gợi ra nhiều ý tưởng cho EC trong hợp tác với Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác nói chung.
Tại phiên làm việc, EC cam kết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. EC cho rằng quan hệ hợp tác và đối tác với Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững.
Theo đó, EC sẽ triển khai dự án “Nông nghiệp bền vững vì các hệ sinh thái rừng” (Dự án SAFE) hỗ trợ chuyển đổi bao trùm các chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng theo Quy định EUDR tại Việt Nam; trong đó, tập trung vào ngành hàng cà phê là ngành hàng chủ lực bị ảnh hưởng bởi Quy định này.
Đồng thời, EC khuyến khích các tập đoàn lớn đa quốc gia và các tổ chức phát triển như Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) hợp tác với Bộ NNPTNT theo hình thức đối tác công - tư để triển khai việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc một cách hiệu quả, phù hợp, chi phí thấp, tăng cường hệ thống giám sát và chuyển đổi sinh kế cho nông dân ở những vùng rủi ro. Đây là nền tảng để đảm bảo đưa Việt Nam vào nhóm rủi ro thấp khi áp dụng Quy định EUDR, xây dựng uy tín và thương hiệu cho nông sản Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Ngày 16/5/2023, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã thông qua Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). EUDR là quy định mới nhất của châu Âu liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng. Theo đó, EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 bao gồm: Chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này. Quy định này sẽ có hiệu lực thực thi từ tháng 1/2025.