Dân Việt

Nếu kháng cáo, bà Nguyễn Phương Hằng có cơ hội được xem xét giảm án?

Đình Việt 23/09/2023 08:41 GMT+7
Luật sư cho biết, nếu bà Nguyễn Phương Hằng kháng cáo, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xem xét đơn kháng cáo về nội dung xin giảm hình phạt.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạt 3 năm tù

Tối 21/9, sau một ngày xét xử, TAND TP HCM tuyên phạt bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) 3 năm tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bà Nguyễn Phương Hằng có còn cơ hội được giảm án? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng bên trong phòng xử tại TAND TP.HCM ngày 21/9. Ảnh chụp qua màn hình.

Với vai trò đồng phạm, Đặng Anh Quân (cựu giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM) bị phạt 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi, Huỳnh Công Tân, Lê Thị Thu Hà (nhân viên của bà Hằng) lĩnh 1 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo phải liên đới bồi thường cho nhà báo Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan 18 triệu đồng. Do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, vợ chồng Thủy Tiên... đã thay đổi yêu cầu, không buộc bà Hằng phải bồi thường, tòa không xem xét.

HĐXX xác định, từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, bà Phương Hằng và 4 bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, thực hiện 57 buổi livestream tại nhà riêng và Khu du lịch Đại Nam có nội dung xúc phạm nghiệm trọng danh dự, uy tín của 10 người.

Theo tòa, hành vi của các bị cáo vi phạm Luật An ninh mạng và Nghị định 72/2013/NĐ-CP; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Khi nào bà Nguyễn Phương Hằng có thể được giảm nhẹ hình phạt?

Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, bà Nguyễn Phương Hằng có còn cơ hội giảm nhẹ hình phạt?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bà Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù, nếu không đồng ý với mức án này, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, bà Hằng có quyền làm đơn kháng cáo theo trình tự phúc thẩm xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo luật sư Thơm, trong vụ án này, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có quyền kháng cáo về hình phạt đối với bà Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm (tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt).

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chỉ có quyền kháng cáo liên quan đến quyền lợi của mình như về tư cách tham gia tố tụng, như các luật sư bảo vệ quyền lợi cho rằng là bị hại và mức bồi thường trách nhiệm dân sự.

Vì vậy, nếu bà Nguyễn Phương Hằng kháng cáo, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xem xét đơn kháng cáo về nội dung xin giảm hình phạt. Nếu có căn cứ, HĐXX sẽ xét giảm nhẹ dưới mức 3 năm tù giam mà cấp sơ thẩm đã tuyên phạt.

Nếu không có căn cứ giảm nhẹ, HĐXX sẽ y án sơ thẩm và bà Nguyễn Phương Hằng phải nộp 300 nghìn đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Vị luật sư nêu quan điểm, bị cáo Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạt 3 năm tù theo quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự 2015, có khung hình phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhiều đóng góp cho xã hội trong sản xuất kinh doanh và các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng...

Xét tính nguy hiểm hành vi thấy, nguyên nhân phát sinh vụ án là do bị công kích, gây bức xúc và một phần lỗi của một số người, trong đó có người đã bị khởi tố...

Bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, nhận thức được sai phạm của mình và cam kết không tái phạm trên không gian mạng.

Vì thế, nếu bị cáo Nguyễn Phương Hằng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì cũng có thể được chấp nhận. Bởi, hình phạt không chỉ nhằm mục đích trừng trị mà còn răn đe, phòng ngừa và giáo dục người phạm tội trở thành công dân có ích cho xã hội....