Dự án đường Vành đai 3: Nhiều hộ dân TP.HCM kiến nghị tăng giá đền bù cho bằng với ... Bình Dương.
Dự án đường Vành đai 3: Nhiều hộ dân TP.HCM kiến nghị tăng giá đền bù cho bằng… tỉnh Bình Dương
Đông Anh
Thứ sáu, ngày 22/09/2023 08:39 AM (GMT+7)
Từ ngày 20 – 22/9/2023, tại một số phường thuộc TP. Thủ Đức (TP.HCM) – nơi có đường Vành đai 3 đi qua – đã diễn ra các buổi khảo sát thăm dò dư luận xã hội về dự án đường Vành đai 3. Nhiều hộ dân có đất đai, nhà cửa, vườn tược… bị quy hoạch trong vùng dự án đã kiến nghị chính quyền tăng giá đền bù.
Một con đường, một dự án, giá đền bù ở TP.HCM thấp hơn … tỉnh Bình Dương
Tại UBND phường Trường Thạnh, ông Hồ Ngọc Tùng – Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh, TP.Thủ Đức – đã công bố thông tin với các hộ dân có đất đai nằm trong vùng quy hoạch: Dự án đường Vành đai 3 là dự án giao thông lớn nhất khu vực phía Nam, giúp kết nối nhiều tỉnh – thành Đông Nam bộ, với chiều dài 76,3 km đi qua 4 tỉnh, thành (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An).
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Tại TP.HCM, dự án có chiều dài 47,5 km đi qua các địa phương: TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là 410 ha, với 1.738 hộ dân bị ảnh hưởng.
"Để có thêm thông tin nhằm tìm hiểu sự quan tâm, ý kiến của người dân thành phố về dự án, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM thực hiện cuộc thăm dò dư luận xã hội về dự án Vành đai 3" – lãnh đạo phường Trường Thạnh cho biết thêm.
Ông Bùi Thanh Tuấn (thường trú đường Nguyễn Duy Trinh, phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức) ý kiến: "Chúng tôi là những người dân có đất đai, nhà cửa nằm trong vùng quy hoạch. Chúng tôi ủng hộ dự án Vành đai 3 để góp phần phát triển có sở hạ tầng của TP.HCM. Tuy nhiên, chính sách bồi thường hiện có nhiều bất cập, khiến người dân không yên tâm".
Theo ông Tuấn: Mức giá đền bù đất trồng cây lâu năm quá thấp, nhất là tại vị trí mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, giá đền bù có 7,6 triệu đồng/m2, chưa bằng 1/10 giá giao dịch trên thị trường bất động sản, tức chênh lệch khoảng 65 triệu đồng/m2.
"Mảnh đất nhà tôi hiện có nhà ở và nhà xưởng, sản xuất – kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho 30 công nhân. Nếu so với giá đền bù cùng dự án đường Vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương (giáp ranh với TP.Thủ Đức), thì giá đền bù của Bình Dương cho dân cao hơn TP.HCM: đất nông nghiệp được đền bù bằng 50% giá đất thổ cư, đất phi nông nghiệp là 60% và đất thương mại là 80% của đất thổ cư. Như vậy, cùng dự án đường Vành đai 3 mà giá đất bồi thường của tỉnh lẻ cao hơn với giá bồi thường của TP.HCM, là bất hợp lý", ông Tuấn nói.
Tương tự, ông Lê Minh Thắng (thường trú đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh, TP.Thủ Đức) cho rằng: "Giá đền bù đất trồng cây lâu năm của gia đình tôi và các hộ xung quanh là không hợp lý. Vì đất sát mặt tiền đường Nguyễn Xiển, chỉ đề bù 7,6 triệu đồng/m2; trong khi giá thị trường đang giao dịch ở mức 40 – 50 triệu đồng/m2, chênh lệch gấp 10 lần, dù cùng thửa đất".
Ông Thắng dẫn chứng thêm: "Đường Nguyễn Xiển kéo dài qua địa bàn tỉnh Bình Dương kế bên, cũng bị giải tỏa trong dự án đường Vành đai 3. Nhưng tỉnh Bình Dương bồi thường đất nông nghiệp cho người dân hơn 16,7 triệu đồng/m2".
Kiến nghị sửa hệ số K, nâng giá đền bù
Ông Phan Duy Đệ (thường trú đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP.HCM) có đất bị thu hồi trong dự án đường Vành đai 3 cho biết: "Mức đền bù đất nông nghiệp từ 5,8 – 7,6 triệu đồng/m2 là quá thấp, không theo sát – chỉ bằng 1/8 giá thị trường, chênh lệch hơn 60 triệu đồng/m2. Đơn giá đền bù này theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM và căn cứ hệ số giá đất quá thấp.
Do đó, tôi kiến nghị TP không nên áp dụng bảng giá đất nông nghiệp theo Quyết định số 02 nhân với hệ số giá đất lỗi thời nữa; bởi tính theo phương pháp này sẽ không sát với giá thị trường, gây bức xúc trong dân".
Theo ông Đệ, đơn giá đền bù đất nông nghiệp có thể tính bằng đơn giá đền bù đất thổ cư trong cùng khu vực, sau khi trừ đi tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp lên thổ cư. Phương pháp này tương đồng với cách đền bù của chính quyền tỉnh Bình Dương đang triển khai, tạo sự đồng thuận trong người dân.
Còn bà Nguyễn Thị Bảo Trân cho rằng: "Cùng là đất nông nghiệp, giá đền bù giữa các vị trí 1,2,3 chênh lệch nhau chỉ 500.000 đồng/m2, không đúng thực tế. Giá đền bù với đất giáp mặt tiền đường lớn phái tính gấp vài lần so với đất ở trong hang cùng ngõ hẻm hoặc đất không có lối vào.
Vì thực tế, giá đất giữa vị trí mặt tiền với vị trí trong hẻm chênh lệch nhau từ 3-5 lần; thậm chí cao gấp 12-15 lần so với khu vực vùng sâu, vùng xa, đường vào nhỏ, hẹp".
Vì vậy, người dân kiến nghị nên tăng giá đền bù giữa các vị trí 1,2,3 bằng cách tăng hệ số nhằm tạo khoảng cách gần hơn với giá đất thực tế đang giao dịch trên thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.