Ông Trương Văn Mỹ - Giám đốc HTX Ca cao xã Suối Cát (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) cho biết, 3 năm trở lại đây, ông vừa thu hoạch trái ca cao vừa mở cửa đón khách du lịch. Nhờ thế, hiệu quả kinh tế cải thiện hơn hẳn. Để làm được việc này, ông đã thiết kế và quy hoạch lại vườn cây, đầu tư thêm tiểu cảnh, nhà chòi phục vụ du khách.
Ông còn đầu tư chế biến hơn 10 sản phẩm từ quả ca cao, trong đó có những sản phẩm độc đáo ít nơi có như: Bơ ca cao, sinh tố ca cao tươi. Từ sự đầu tư này, vườn ca cao trở thành địa chỉ đón nông dân, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên khắp nơi đến học tập, trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức các món ngon.
Đồng Nai có 11/11 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, về đích trước 2 năm so với mục tiêu ban đầu tỉnh đặt ra; là 1 trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019.
Ông Lê Kim Bằng - Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết, huyện Xuân Lộc là 1 trong 4 địa phương của cả nước được chọn làm thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, số lượng các xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu ngày càng nhiều, thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Huyện hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như ca cao, sầu riêng...
Đến nay, giá trị sản xuất bình quân (cả trồng trọt và chăn nuôi) đạt 330 triệu đồng/ha/năm, cao nhất trong các huyện của tỉnh. Thu nhập bình quân 82 triệu đồng/người/năm. Đã có 9/14 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo Nghị quyết số 07 của Huyện ủy, năm 2025, Xuân Lộc sẽ hoàn thành các tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu. Thế nhưng, ngay lúc này huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 cơ bản hoàn thành mục tiêu. Để làm được điều đó, huyện tập trung cao nhất mọi nguồn lực để phát triển sản xuất. Trong đó huyện chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
"Xuân Lộc quyết tâm hoàn thành và hoàn thành sớm nhiệm vụ xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Mục tiêu sau cùng là mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân" - ông Bằng chia sẻ.
Giữ vững lá cờ đầu xây dựng NTM
Theo Bộ NNPTNT, tính đến tháng 7/2023, cả nước có hơn 6.000 xã đạt chuẩn NTM (đạt 73,6% tổng số xã). Cả nước có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM; có 263 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM. Hiện nay, nhiều tỉnh thành đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã, huyện, tỉnh NTM, thì từ năm 2019, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu NTM.
Đồng Nai hiện đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (21/120), đứng thứ 2 cả nước số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (96/120). Ấn tượng nhất là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 của Đồng Nai đạt gần 64,7 triệu đồng; cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của cả nước hiện là 46,3 triệu đồng/năm.
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, khi các tỉnh khác đang xây dựng xã NTM - phần móng của ngôi nhà, thì Đồng Nai đã xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu - là xây dựng ngôi nhà. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai xác định các xã, huyện phải song song thực hiện 2 nhiệm vụ là vừa duy trì kết quả đạt chuẩn trong giai đoạn mới; vừa thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Để đạt được thành quả ấn tượng như hiện nay, ngay từ khi triển khai phong trào xây dựng NTM, Đồng Nai đã chọn giải pháp có tính đột phá. Trong đó có việc chọn huyện Xuân Lộc, địa phương khó khăn nhất tỉnh, làm mô hình điểm trong xây dựng huyện NTM. "Đây là mô hình điểm để vừa phong phú về kinh nghiệm, vừa tạo động lực mạnh mẽ trong thúc đẩy phong trào của cả tỉnh" - ông Phi cho biết.