Sau khi ban hành Quyết định số 385 về phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn vùng nông thôn TP đến năm 2020, TP.HCM đã ban hành tiếp Quyết định số 1943 về phê duyệt Đề án sản phẩm OCOP trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.
Làng nghề nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP
Theo đó, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019 - 2020, trong đó có 2 nội dung đáng chú ý, như mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình OCOP trên phạm vi ra 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Và mở rộng lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 6 lĩnh vực, gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Hiện, TP.HCM có khoảng 65 làng nghề, ngành nghề nông thôn tập trung vào 7 nhóm lĩnh vực, trong đó, có những ngành nghề thuộc dạng ngành truyền thống lâu đời của TP.
Chỉ tính riêng 6 làng nghề truyền thống và 6 ngành nghề nông thôn được bảo tồn và phát triển, giai đoạn 2021-2025 đã cho thấy nhiều sản phẩm mang lợi thế so sánh của địa phương.
Như tại huyện Củ Chi có 3 làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, rổ rá và mành trúc. Thời gian qua, một số sản phẩm của các làng nghề này đã xuất khẩu đi nước ngoài.
Tại xã Phú Hòa Đông, có làng nghề bánh tráng rất nổi tiếng với 1 HTX, 15 hộ sản xuất thủ công, 59 cơ sở sản xuất bằng máy, 7 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu và 6 cơ sở thu mua. Làng nghề đan lát Thái Mỹ có các sản phẩm nia, tràng, thúng, rổ, rá… Tại xã Tân Thông Hội có làng nghề làm mành trúc.
Huyện Bình Chánh, TP.HCM nổi tiếng với làng nghề se nhang tại xã Lê Minh Xuân. Huyện Cần Giờ với điều kiện tự nhiên đặc trưng của vùng duyên hải ven biển, có làng nghề làm muối Lý Nhơn, có khô cá dứa một nắng, khô cá đù một nắng, tổ yến và 1 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền - xoài Long Hòa.
Thời gian qua, một số HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tại các làng nghề ở TP đã chủ động, sáng tạo phát triển sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho những sản phẩm làng nghề.
Chẳng hạn, tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, một số doanh nghiệp sản xuất thành công bánh tráng dưa hấu, bánh tráng thanh long, bánh tráng khoai lang tím, bánh tráng từ các loại củ, hạt… Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm này khá tốt.
Các doanh nghiệp tại làng nghề còn phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, độc lạ, như bún, hủ tiếu mì làm từ bột gạo, trộn với các loại nông sản làm bún, hủ tiếu, mì khoai lang tím, dưa hấu, ống hút thân thiện môi trường... được đánh giá cao, người tiêu dùng ưa chuộng.
Đây là những sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP, góp phần phát huy giá trị sản phẩm địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển bền vững kinh tế khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm như hoa lan, hoa mai, cá kiểng với nhiều chủng loại cá khác nhau được xác định là sản phẩm ngành nông thôn và đang là sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của TP mang lại giá trị kinh tế cao. Rất tiếc, theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, những sản phẩm này chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP.
Hiện, với vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ứng dụng khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP tiếp tục phối hợp cùng Sở NNPTNT TP hỗ trợ các chủ thể tham gia Đề án Chương trình OCOP ứng dụng các giải pháp công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ sản xuất, chế biến theo quy mô phù hợp, tăng cường nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.
Trong Kế hoạch 1784 về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2022-2025, TP có chính sách sẽ hỗ trợ làng nghề, ngành nghề nông thôn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo đó, các cơ sở ngành nghề nông thôn được hưởng các cơ chế, chính sách theo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn.