Dân Việt

Ga Sóng Thần Bình Dương chính thức xuất khẩu hàng hóa bằng đường sắt đi Trung Quốc

Nguyên Vỹ 27/09/2023 18:41 GMT+7
Ngày 27/9, tỉnh Bình Dương chính thức xuất khẩu lô hàng hóa đầu tiên bằng đường sắt đi Trung Quốc từ ga Sóng Thần (TP.Dĩ An).

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ với Bình Dương mà cho cả khu vực phía Nam, thông qua ga liên vận quôc tế Sóng Thần.

Lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường sắt qua ga Sóng Thần

Ga Sóng Thần là ga đường sắt liên vận quốc tế của tỉnh Bình Dương, và là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam. Ga Sóng Thần đồng thời là ga kỹ thuật, có 13 đường xếp dỡ, 7 bãi hàng hóa với tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.726km; đường đơn khổ 1.000 mm, chạy trục Bắc - Nam là một lợi thế giao thông lớn của tỉnh.

Tuy nhiên, đến nay ga Sóng Thần chỉ mới phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhập khâu hàng hóa. Vì thế, ga Sóng Thần chưa phát huy được tiềm năng vận chuyển hàng hóa xuất khâu, nhập khẩu.

Ga liên vận quốc tế Sóng Thần trước giờ chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động xuất nhập khâu hàng hóa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ga liên vận quốc tế Sóng Thần trước giờ chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động xuất nhập khâu hàng hóa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việc nâng cao năng lực ga liên vận quốc tế Sóng Thần phục vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương nói chung, và nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua đường sắt của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương nói riêng.

Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết này, ngày 27/9, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương phối hợp với các Sở, Ban ngành, Tổng Công ty đường sắt giải quyết thủ tục hải quan xuất khẩu cho 1 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Lô hàng xuất khẩu là tinh bột sắn, loại dùng làm thực phẩm với số lượng 499,7 tấn được đóng trong 19 container 40 feet.

Theo lịch trình vận chuyển, lô hàng được vận chuyển đến ga Sóng Thần và được xếp lên các toa tàu để vận chuyển đến ga Yên Viên (Hà Nội). Tại đây, lô hàng tiếp tục được chuyển toa sang tàu khổ 1.400 mm để vận chuyển đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt từ ga Sóng Thần (tại ga Sóng Thần (TP.Dĩ An, Bình Dương) đi Trung Quốc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt từ ga Sóng Thần (tại ga Sóng Thần (TP.Dĩ An, Bình Dương) đi Trung Quốc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa qua ga Sóng Thần

Theo ông Nguyễn Đình Hiệu - Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, ga liên vận quôc tế Sóng Thần mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu mới hiệu quả hơn, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh,...

Việc hướng doanh nghiệp mở rộng thêm phương thức vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa.

"Ngoài ra, hàng hóa vận chuyển đảm bảo an toàn, không bị va đập, hư hỏng và đảm bảo hàng hóa vận chuyển đúng lịch trình, không bị hoãn chuyến như những phương thức vận chuyến khác như đường biển, đường bộ, hàng không", ông Bình nói.

Từ Bình Dương, lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường sắt sẽ mở ra triển vọng logistics cho cả miền Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ Bình Dương, lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường sắt sẽ mở ra triển vọng logistics cho cả miền Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, một lợi ích quan trọng khác là hàng hóa xuất khẩu vận chuyển bằng đường sắt sẽ được vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyên bằng đường bộ trong thời gian qua.

Phương án này giúp tiết giảm chi phí, và đồng thời gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, giúp nâng cao sức cạnh tranh cũng như uy tín, vị thế của doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài.

Bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua ga đường sắt sẽ đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.

"Một lợi ích khác mang lại trong tương lai là tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh Bình Dương và cả vùng Nam bộ, kéo theo sự gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo", bà Duyên chia sẻ.