Trồng cam quýt lời hơn 20 tỷ/năm, tỷ phú Bình Dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 26/09/2023 05:25 AM (GMT+7)
Ở xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), ông Lâm Thành Thương là người tiên phong trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi); xử lý để cây cam, cây quýt ra trái quanh năm. Ông được bình chọn là 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".
Bình luận 0

Trên diện tích canh tác hơn 100ha, mỗi năm Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Lâm Thành Thương thu lời hơn 20 tỷ đồng. Bí quyết thành công của ông không phải ở sản xuất quy mô lớn, mà chủ động tìm kiếm thị trường.

Nông dân Việt Nam xuất sắc thắng lớn nhờ nắm bắt thông tin thị trường

Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng, địa lý, huyện Bắc Tân Uyên có điều kiện tốt để phát triển cây ăn trái. Trong đó, xã Hiếu Liêm nằm cạnh 2 dòng sông Bé và sông Đồng Nai, rất thích hợp để phát triển mạnh kinh tế trang trại.

20 năm trước, ông Lâm Thành Thương mang theo nghề trồng cam quýt từ Đồng Tháp lên đất Hiếu Liêm này lập nghiệp. Ông Thương kể, người dân miền Tây có nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn trái, nhưng riêng cây có múi thì thổ nhưỡng ở Bắc Tân Uyên lại có những lợi thế riêng.

Xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Xã Hiếu Liêm là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Địa thế của xã Hiếu Liêm nằm trên triền đồi cao, dễ thoát nước. Rễ cây cam, quýt ăn sâu xuống đất mà không sợ hư vì úng ngập. Tuổi thọ của cây vì thế có thể dài 15 năm, thay vì chỉ 5-7 năm như ở miền Tây Nam bộ. Thổ nhưỡng ở đây phù hợp nên trái chắc quả và có độ ngọt cao.

Bắt đầu trồng cam, quýt trên diện tích 5ha, ông áp dụng nhiều công nghệ vào việc tưới tiêu, bón phân, làm bẫy côn trùng thay cho thuốc bảo vệ thực vật.

Cung vì trồng cây trên gò đất cao nên việc canh tác gặp nhiều trắc trở, nhất là khâu đưa nước tưới từ sông lên vườn. Vì những năm 2012, nơi này chưa có điện. Ông phải bỏ kinh phí ra xây dựng hơn 10 trạm điện, mỗi trạm hơn 1 tỷ đồng, để đưa nước về. Nhờ những trạm điện này mà sau đó, không chỉ ông, nhiều nông dân khác cũng được hưởng lợi.

Về sau, việc tưới nước của ông được tự động hóa hoàn toàn. Ông sử dụng motor cao áp đưa nước từ sông lên, trữ trong hồ chứa. 10 giờ tối, ông bấm điện thoại tưới nước tự động toàn bộ vườn trồng, đến 4 giờ sáng thì tự động ngừng.

Ông Thương kể ngày trước đây, các hộ dân trên địa bàn xã đều trồng cây theo phương pháp truyền thống, đào hố bón lót và đặt cây trồng ngang mặt đất. Khi khởi nghiệp, ông đã tiên phong trong việc đưa kỹ thuật móc rãnh, vun bồn trồng cây để xử lý ra trái theo ý muốn, và phòng trừ sâu bệnh dễ dàng hơn.

Ông cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp ép cây cho ra quả trái vụ, bằng cách phủ bạt nhựa lên các liếp cam. Cách làm này là một trong những bí quyết nhằm tạo khô hạn tạm thời cho vườn cây. Nhiều nông dân thấy vậy cũng học theo, và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ thu hoạch quanh năm, chủ động nguồn cung cho thị trường.

Ông Lâm Thành Thương, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 của tình Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Lâm Thành Thương, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Với việc ứng dụng VietGap vào quy trình sản xuất, năng suất trung bình đạt hơn 50 tấn/ha. Trên diện tích 150ha, mỗi năm trang trại của ông xuất bán gần 5.000 tấn trái cây có múi các loại. Toàn bộ sản phẩm của trại đều sản xuất theo quy trình VietGap, nên được bạn hàng tín nhiệm. Trung bình mỗi năm ông thu lời hơn 20 tỷ đồng. Trang trại cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động.

Ông Thương chia sẻ, hiện tại thương hiệu trái cây có múi Bắc Tân Uyên đang chiếm lĩnh phân khúc trung và cao cấp. Nhiều trang trại, nhà vườn ở Bắc Tân Uyên được thương lái đến tận nơi mua hàng với giá cao ổn định.

Ngay trong mùa dịch Covid-19 năm 2021, nhiều chuỗi cung ứng nông sản bị đứt gãy, thì các sản phẩm có thương hiệu vẫn tiêu thụ vẫn ổn định. Trang trại của ông Thương vẫn cung ứng cam cho các chợ đầu mối lớn tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Theo Nông dân sản xuất giỏi này, việc nhanh nhạy nắm bắt thông tin cung cầu và chủ động tìm kiếm thị trường mới là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh. Từ những năm 1990, ông Thương đã kinh doanh mặt hàng cây có múi khắp cả nước, hình thành hệ thống mối lái kinh doanh từ miền Tây ra tới Hà Nội.

Nhờ kinh nghiệm mua bán từ trước, lại là người trực tiếp sản xuất, nên ông nắm bắt được cung cầu. "Với diện tích 150ha, nếu không tính toán kỹ, không giữ vững thương hiệu thì việc ùn ứ sản phẩm rất dễ xảy ra", ông Thương nói.

Sơ chế nông sản tại trang trại Lâm Thành Thương, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh T.L

Sơ chế nông sản tại trang trại Lâm Thành Thương, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh T.L

Nông dân Việt Nam xuất sắc làm du lịch sinh thái vườn

Du lịch miệt vườn vốn đã được nông dân Bình Dương khai thác từ rất lâu. Nổi tiếng nhất là vườn cây ăn trái Lái Thiêu (TP.Thuận An) với những loại trái cây đặc trưng như măng cụt, sầu riêng...

Vài năm gần đây, du khách bắt đầu tìm đến sự mới lạ của vùng đất chuyên canh cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên. Nơi đây đang bắt đầu hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái khá thành công. Một số nhà vườn liên kết với nhau để tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch.

Quýt hồng là loại quýt trái to, ăn rất ngọt. Đến mùa thu hoạch, cả vườn quýt tràn ngập một màu vàng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Quýt hồng là loại quýt trái to, ăn rất ngọt. Đến mùa thu hoạch, cả vườn quýt tràn ngập một màu vàng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm nay là năm thứ 5, trang trại quýt hồng của ông Lâm Thành Thương được trồng để phục vụ nhu cầu chụp ảnh kỷ niệm của các bạn trẻ vào dịp cuối tuần. Trên toàn bộ diện tích, ông dành riêng khu vực trồng quýt hồng 11ha phục vụ cho khách tham quan.

Quýt hồng không phải là loại cây có múi được phổ biến ở Bình Dương. Đây là loại quýt trái to, ăn rất ngọt. Đến mùa thu hoạch, cả vườn quýt tràn ngập một màu vàng, khiến du khách khó cưỡng trước vẻ đẹp của vườn quýt.

Du khách tham quan mùa quýt hồng ở Bắc Tân Uyên. Ảnh: Mai Hoa

Du khách tham quan mùa quýt hồng ở Bắc Tân Uyên. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, loại cây này rất khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Cả xã Hiếu Liêm mới chỉ có 2 chủ vườn trồng được quýt hồng. 

Vì thế, thời gian qua, vườn quýt của ông Thương đón rất nhiều khách ghé thăm quan. Hiện tại, ông đang sửa sang, cải tạo lại các hạng mục trong trang trại của mình, đến cuối năm 2023 sẽ mở cửa phục vụ trở lại.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, nơi đây có địa hình đồi dốc nhấp nhô, khí hậu mát mẻ không khác gì ở Lâm Đồng. 

Ngồi trên đồi cao phóng tầm mắt xuống thung lũng, nhìn những vườn cây trái sum suê, uốn luộn theo dòng sông Bé, xen lẫn những căn nhà lọt thỏm giữa núi rừng không còn gì thú vị bằng.

Ông Tuấn cho biết, xã Hiếu Liêm khuyến khích nông dân phát triển mô hình sinh thái vườn, kết hợp với cây trồng có múi. 

Mô hình này phát triển mạnh không chỉ giải quyết được thêm việc làm, tạo ra thương hiệu cho vùng đất, cây trái ở Hiếu Liêm, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

CLIP: Chủ Tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) chia sẻ về mô hình trồng cam, trồng quýt của ông Lâm Thành Thương-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.

Ông Nguyễn Văn Huy - Chủ Tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên, cho biết ông Lâm Thành Thương là một trong những nông dân tiên phong trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên.

Từ khởi đầu của ông Thương, đến thời điểm này, huyện Bắc Tân Uyên đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái rộng lớn gần 2.000ha, và có thương hiệu trong khắp cả nước.

Thời gian qua, ông Thương hiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân cùng tham gia sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái. Ông còn vận động một số trang trại trồng cây ăn trái khác thực hiện mô hình vừa sản xuất cây ăn trái vừa phát triển du lịch miệt vườn. Mô hình đã mang lại những kết quả bước đầu.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; liên kết sản xuất và tiêu thụ.

"Phong trào sẽ lấy những nông dân sản xuất kinh doanh, nông dân xuất sắc như ông Lâm Thành Thương làm hạt nhân để lan tỏa", ông Huy nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem