Nắm thời cơ đúng nhịp
Nhìn cơ ngơi bề thế hiện nay của ông Hùng, ít ai ngờ rằng hơn 10 năm trước, lão nông này cũng phải "cày sâu cuốc bẫm", rồi "ly hương" xuôi ngược khắp nhiều tỉnh thành miền Trung, Nam để mưu sinh.
Cũng như bao gia đình ở vùng thôn quê khác trong tỉnh, sau khi lập gia đình, cuộc sống của ông Hùng gắn bó với ruộng đồng, cây lúa. Dù chăm chỉ và cần mẫn, thế nhưng kinh tế gia đình cũng chỉ đủ ăn.
Vì vậy năm 1989, ông Hùng quyết định để vợ ở quê làm nông, bắt đầu thực hiện hành trình tăng thu nhập, bằng cách đi buôn bán chăn, mùng, giường chiếu "dạo" từ Hà Tĩnh đến tận TP.Hồ Chí Minh.
Thế nhưng 1 thời gian khá dài sau đó, nhận thấy thu nhập từ "nghề mới" cũng chẳng khá hơn là mấy, nên đến năm 2004, ông Hùng lại quyết định về quê, tiếp tục gắn bó với ruộng đồng.
Trong khoảng thời gian đi buôn bán chăn, mền…dạo, dù lời lãi mang về không nhiều nhưng khi trở về với công việc đồng áng tại quê nhà, ông Hùng chợt nhận ra rằng, nhiều tỉnh khác người dân đã đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp; còn ở các miền quê Quảng Ngãi tại sao lại không, mà vẫn duy trì cách làm thủ công, quá vất vả như vậy.
Từ suy nghĩ và trăn trở này, năm 2009, sau khi tìm hiểu, học hỏi rồi bàn bạc, ông Hùng và vợ quyết định dốc hết vốn, rồi vay mượn để vào tận Long An, đầu tư mua máy gặt đập liên hợp, với giá 210 triệu đồng, đem về phục vụ bà con và gia đình.
Ông Hùng nhớ lại, tại thời điểm lúc bây giờ (năm 2009), đây là chiếc máy gặp đập liên hợp đầu tiên ở Quảng Ngãi. Lúc đó 210 triệu lớn lắm, 2 vợ chồng phải thao thức nhiều đêm mới đưa ra quyết định này.
Theo đó chỉ trong 2 vụ đầu tiên, ông Hùng đã thu lại được số vốn đã bỏ ra mua máy. Thấy hiệu quả kinh tế của máy gặt đập mang lại lớn, nhu cầu thu hoạch lúa của người dân còn nhiều. Vì vậy năm 2010, vợ chồng ông Hùng quyết định thế chấp căn nhà, mua thêm một máy nữa.
Chưa hết đến đầu năm 2011, thấy máy đập gặt theo kiểu phun rơm bắt đầu "lạc hậu", không còn được người dân chuộng, vì thế ông Hùng tiếp tục đầu tư máy gặt đập theo kiểu nhả rơm theo từng hàng.
Tỷ phú luôn hỗ trợ nông dân cơ giới hóa nông nghiệp
Không chỉ dừng lại ở chỗ "thu hoạch thuê", ông Nguyễn Thanh Hùng nhận thấy nhu cầu người dân muốn cơ giới hóa trong gieo gặt lúa ngày càng tăng, nên đến năm 2013, sau khi chuyển giao lại 3 chiếc máy gặt cho anh em trong nhà làm, ông Hùng mở cơ sở chuyên bán bán máy gặt, máy cày và phụ tùng máy nông nghiệp.
Đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và giúp đỡ cho số người mua máy khi gặp hỏng hóc, ông Hùng còn lập đội thợ 10 nhân viên, chuyên sửa chữa máy gặp sự cố trên đồng ruộng; đưa ra chính sách hỗ trợ bán trả góp.
Bên cạnh đó có nhiều khách hàng mua và sử dụng 5-7 năm, thì máy cũ và xuống cấp, ông Hùng sẵn sàng hỗ trợ "thu cũ, đổi mới", để giúp nông dân tiếp tục phát triển hơn.
Nói về nguồn thu nhập hiện nay, ông Hùng khiêm tốn cho biết, sau khi trừ các khoản chi phí, tiền lãi thu về hơn 400 triệu đồng/năm.
Với những gì đã làm, ông Nguyễn Thanh Hùng được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước gia đoạn 2015-2020; Hội nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, giai đoạn 2017-2022.
Sau gần 15 năm, từ người "đi gặt thuê" rồi bán máy, phụ tùng nông nghiệp, đến nay dù đã lớn tuổi nhưng ông Hùng vẫn chưa có ý định nghỉ.
"Tới đây tôi sẽ phát triển thêm máy cuốn rơm để người dân gặt lúa xong, khỏi tốn nhiều công sức cho công việc này", ông Hùng nói.