Ông nông dân Hà Tây vào Kon Tum trồng 20ha sầu riêng thu 15 tỷ là Nông dân Việt Nam xuất sắc
Rời quân ngũ, ông nông dân Hà Tây vào Kon Tum trồng 20ha sầu riêng thu 15 tỷ là Nông dân Việt Nam xuất sắc
Hoàng Lộc
Thứ tư, ngày 27/09/2023 09:16 AM (GMT+7)
Hơn 6 năm trồng sầu riêng, vào vụ thu hoạch 2023, ông Bùi Văn Quyển (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã thu được 15 tỷ đồng. Ông Quyển mới đây đã được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”. Ông Quyển sinh ra ở Hà Tây (nay là Hà Nội), 33 năm trước, ông rời quân ngũ để vào mảnh đất Tây Nguyên lập nghiệp...
Gặp PV Dân Việt những ngày đầu giữa tháng 9, ông Bùi Văn Quyển (trú tại làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) khoe, gia đình ông vừa thu hoạch xong hơn 13ha sầu riêng với tổng năng suất khoảng 300 tấn. Sau khi trừ đi các chi phí, gia đình ông thu về khoảng 15 tỷ đồng.
"Vào vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, do thời tiết thất thường nên rụng trái non nhiều. Từ đó, năng suất có giảm đi một chút.
Tuy nhiên bù lại giá năm nay lại tăng mạnh. Ngay từ đầu mùa, thương lái đã đặt cọc và chốt với tôi giá 74.000 đồng/kg. Vụ mùa năm nay, gia đình tôi coi như thắng lớn và trả được hết nợ nần", ông Quyển chia sẻ với PV.
Để có được thành quả để ngày hôm nay, ít ai biết được rằng ông Quyển có một con đường làm kinh tế không hề bằng phẳng chút nào.
Kể về con đường lập nghiệp, ông Quyển cho hay, ông sinh ra và lớn lên tại huyện Mỹ Đức (tỉnh Hà Tây cũ, nay là TP. Hà Nội).
Năm 1990, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, ông vào lập nghiệp tại làng Tum (xã Yaly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Nhận thấy đất đai ở đây trù phú, màu mỡ và thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp nên vào năm 1995, ông Quyển đã làm đơn xin UBND huyện Sa Thầy khai hoang 30ha đất. Sau đó, ông dành ra 5ha đất để trồng cao su.
Từ đây, cây cao su phát triển xanh tốt và cho thu nhập cao. Khoảng năm sau, gia đình ông mở rộng diện tích trồng cao su lên thành 30ha. Khi đó, mô hình của ông đã được nhiều hộ nông dân đến thăm quan, học hỏi.
CLIP: "Mục sở thị" vườn sầu riêng 20ha của ông Bùi Văn Quyển. Thực hiện: Hoàng Lộc.
Không chấp nhận thất bại, tự mày mò nghiên cứu tìm hướng đi mới
Nhưng rồi, từ năm 2012 trở đi, mủ cao su bắt đầu trượt giá không phanh khiến gia đình ông lao đao. Không chịu bỏ cuộc, ông đành lặn lội vào các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây để tìm hiểu cây trồng phù hợp để mang về trồng trên mảnh đất Tây Nguyên. Cuối cùng, ông chọn cây ăn quả.
Vào năm 2017, ông quyết định chuyển đổi khoảng 20ha cao su kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn trái như mít Thái, cam, quýt, xoài và trong đó chủ lực nhất vẫn là cây sầu riêng.
"Dù sầu riêng có giá trị kinh tế cao nhưng rất khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao vì đây là loại cây kén đất, kén nước.
Nếu mình không đúng theo quy trình thì không thể đạt hiệu quả cao được. Do đó, tôi phải mày họ nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất như: làm đất, phòng trừ dịch bệnh, xử lý cho cây ra hoa và sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương như: Ri6, Monthong…", ông Quyển nói.
Bên cạnh việc áp dụng các quy trình kỹ thuật được ngành nông nghiệp hướng dẫn, ông Quyển còn học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng từ nông dân ở các tỉnh miền Tây và quyết định canh tác theo hướng hữu cơ.
Ông Quyển quan niệm, sử dụng phân hóa học nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, chi phí lại cao còn phân hữu cơ vừa an toàn, vừa tốt cho cây và đất, người tiêu dùng ăn sầu riêng vườn nhà ông cảm thấy yên hơn.
"Do vậy, tôi đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt Israel cho toàn bộ diện tích cây trồng để từ đó phân, nước tưới có để đi đến từng gốc cây.
Phân bón cho vườn cây được ông sử dụng đó là phân bò trộn với vỏ cà phê và chế phẩm sinh học ủ cho phân hoai mục; đạm cá, phân hữu cơ của Bỉ, Hà Lan sản xuất. Về nguồn nguồn nước tưới cho cây trồng, tôi đầu tư khoan giếng, tích nước trong các hồ chứa rồi sau đó lắp đặt đồng bộ hệ thống tưới nhỏ giọt", ông Quyển phân tích
Nhờ áp đụng quy trình sản xuất nông sản sạch nên chất lượng sầu riêng ở vườn nhà ông Quyển luôn vượt trội, được nhiều công ty, doanh nghiệp nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài đến đặt mua. Đặc biệt, vào cuối năm 2022, diện tích sầu riêng của gia đình ông đã được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trong vụ đầu tiên thu hoạch sầu riêng vào năm 2022, gia đình ông thu về được khoảng gần 4 tỷ đồng sau khi trừ đi trừ chi phí.
Tính toán lại, ông cho biết, 1ha sầu riêng cho thu nhập gấp 20 lần so với trồng cao su. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn giữ lại khoảng hơn 10 ha cao su để lấy ngắn nuôi dài, với tổng thu nhập mỗi năm hơn 350 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí.
Mới đây, ông Bùi Văn Quyển đã được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023".
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Phạm Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cho hay: "Từ những diện tích cao su kém hiệu quả, ông Bùi Văn Quyển đã mạnh dạn chuyển đổi qua trồng cây ăn quả với chủ lực là cây sầu riêng.
Nhờ sự cần cù, chịu khó làm ăn thì đến vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, gia đình ông đã thành công và mang về thu nhập hàng chục tỷ đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, ông Quyển còn đóng góp vào các hoạt động khác của địa phương như nông thôn mới, đóng góp quỹ an sinh xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân của địa phương. Người đàn ông này cũng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây sầu riêng cho nhiều hộ dân ở trong xã".
Lễ Tôn vinh và trao Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 sẽ được tổ chức vào đúng dịp Kỉ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10/2023 tới đây. Đây là hoạt động chính nằm trong chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức (được thực hiện từ năm 2013). Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt và Công ty CP Phân bón Bình Điền được giao trực tiếp tổ chức thực hiện.
Năm 2023, có 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc được bình chọn thuộc các nhóm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, phát minh sáng chế, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh, Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.