Dân Việt

Một số vấn đề đặt ra trong việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trong điều kiện hiện nay

PV 29/09/2023 19:45 GMT+7
Trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán trong chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc, đó là xây dựng khối đoàn kết, bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc, phát triển toàn diện về kinh tế - chính trị - xã hội nhằm bảo đảm các quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trên mọi mặt.

Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số

Xét dưới góc độ quyền con người và quyền của các dân tộc thiểu số, hệ thống pháp luật của nước ta đã có những bước phát triển và tiến bộ đáng kể. Bên cạnh những quy định bảo đảm quyền con người nói chung còn có những điều luật quy định đặc thù và các chính sách cụ thể như chính sách về đất đai, giáo dục, y tế, vay vốn tạo việc làm, chính sách bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người... nhằm bảo đảm quyền và thúc đẩy thực thi quyền cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu cho mục tiêu chung là thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách về đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số và đã được thực hiện tốt trên nhiều mặt.

Về các quyền chung, đồng bào dân tộc thiểu số được đối xử bình đẳng trước pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội mà không có sự phân biệt đối xử hay trường hợp ngoại lệ, nhất là các quyền về tự do cư trú, đi lại, quyền quốc tịch, quyền bảo đảm an toàn về tính mạng. Bên cạnh đó, nhiều quy định luật pháp và chính sách đặc thù của Nhà nước đã thúc đẩy đồng bào dân tộc tiếp cận các quyền cơ bản đó một cách thuận lợi và đầy đủ hơn nhằm thực hiện nguyên tắc "bình đẳng" do những điều kiện bất lợi về môi trường sống, chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khác biệt về văn hóa đưa lại.

Về mặt chính trị, đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia vào các hoạt động bầu cử và ứng cử vào các cơ quan chính trị với tỷ lệ rất cao. Đại diện của họ trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Về mặt kinh tế, cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản đã được cải thiện ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, y tế và văn hóa cũng được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất giáo dục đã được xây dựng và nâng cấp, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội học tập.

Hệ thống y tế cơ sở đã được củng cố và phát triển rộng khắp, đảm bảo sức khỏe cho họ. Các thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, thư viện và câu lạc bộ được xây dựng để duy trì và bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vẫn còn một số thách thức và vấn đề cần được xem xét để bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số. Cụ thể như kết quả thực hiện chính sách pháp luật bảo đảm và thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số còn chưa bền vững. So với sự phát triển chung của cả nước và ở từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế xã hội phát triển chậm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số chưa ngang tầm với nhiệm vụ. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số chưa đạt theo quy định, có xu hướng giảm. Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục, đồng thời vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nguyên nhân là do vùng dân tộc thiểu số và miền núi xuất phát điểm thấp; địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt; thiên tai bão lũ xảy ra thường xuyên; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ nhận thức chưa đầy đủ về bảo đảm và thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số dẫn đến hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Chính sách, pháp luật còn bất cập, chưa khuyến khích thu hút đầu tư, chưa khai thác được tiềm năng lợi thế so sánh của vùng dân tộc thiểu số và miền núi và chưa tạo động lực để đồng bào vươn lên tự lập trong cuộc sống.

Công tác quản lý nhà nước, phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi, có việc còn thiếu thống nhất; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Một số vấn đề đặt ra trong việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trong điều kiện hiện nay - Ảnh 1.

Người Raglai ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở khang trang (Ảnh: Phương Liên)

Về công tác đảm bảo quyền có nhà ở cho người đồng bào dân tộc thiểu số, theo kết quả Điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, gần như toàn bộ các hộ dân tộc thiểu số đã có nhà ở (đạt 99,8%). Trong các hộ dân tộc thiểu số có nhà ở, 95% hộ có nhà riêng. Chỉ có 5% hộ ở nhà thuê, mượn.

Trên 79% các hộ dân tộc thiểu số sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố; 26,2% số hộ sống trong những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Ba vùng có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sống trong nhà truyền thống của dân tộc mình cao là: Trung du và miền núi phía Bắc 38,9%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 26,6%, Tây Nguyên 17,9%. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có diện tích nhà ở bình quân đầu người khá cao với 18,4%/người, cao hơn mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số. Dân tộc La Ha và dân tộc Kháng có tỷ lệ hộ ở nhà truyền thống cao nhất, tương ứng 82,3% và 81%.

Hay như công tác bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho người dân tộc thiểu số, để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam đã đề ra một trong các nhiệm vụ đột phá là "Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đổi mới giáo dục là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình đổi mới giáo dục quốc gia. Đổi mới giáo dục đòi hỏi phải tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước gắn với đẩy mạnh phát triển giáo dục mũi nhọn.

Một số vấn đề đặt ra trong việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trong điều kiện hiện nay - Ảnh 2.

Ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngày 18/11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Ngày 28/01/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo Chiến lược này, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%. Tầm nhìn đến năm 2045, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin).

Những vấn đề đặt ra

Trước yêu cầu mới đặt ra, ngày 30/10/2019 Bộ Chính trị ban hành Kết luận 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới.Ngày 14/10/2021 Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Đây là động lực, luồng sinh khí mới cho thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong 10 năm tới.

Bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả được xác định là trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân. Cụ thể, Nhà nước giữ vai trò quan trọng, tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Bên cạnh đó cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng về bảo đảm và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội. Song song với đó, cần tiếp tục củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoà nhập và phát triển cùng với đất nước.

Bảo đảm và thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số phải gắn với phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; Đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; Đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước, hệ động thực vật, thực vật, đa dạng sinh học; Đặc biệt là bảo vệ và phát triển rừng; Góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".