Hội NDVN chung sức phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi

Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thứ bảy, ngày 21/09/2019 05:20 AM (GMT+7)
Nhận thức ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Công tác Dân tộc”; hơn 15 năm qua, Đảng đoàn, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đã chủ động xây dựng và ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HNDTW ngày 15/10/2005, về “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vùng dân tộc và miền núi khó khăn" với nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ.
Bình luận 0

img

Sát cánh cùng nông dân vùng khó

Với trên 1,8 triệu hội viên nông dân là người dân tộc thiểu số, trên tổng số 10,2 triệu hội viên nông dân toàn quốc, chiếm tỷ lệ khoảng 17,6%; Hội NDVN có hệ thống tổ chức đến tận cơ sở, thôn, bản, phum, sóc; công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của hội viên, nông dân là nhiệm vụ quan trọng, việc làm thường xuyên của tổ chức Hội, để kịp thời phản ánh với cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền có những chính sách phù hợp với đặc thù của vùng và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

img

T.Ư Hội NDVN vừa phối hợp Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức hội thảo với chủ đề “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.  Ảnh: T.L

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, T.Ư Hội NDVN đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp  Hội tăng cường việc phối hợp với ngành công an, ngành tư pháp, với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới, ven biển, hải đảo đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Về nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Thường trực T.Ư Hội, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất theo định hướng của địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đã góp phần thúc đẩy xây dựng các loại hình trang trại, gia trại…

Bình quân mỗi năm có 6,5 triệu hộ nông dân đăng ký thi đua; trong đó, có 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (cấp tỉnh và Trung ương chiếm 06,0%, cấp huyện chiếm 20,0% và cấp xã chiếm 74,0%); nhiều mô hình quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm; đến nay, có 2.180.240 lượt hộ sản xuất kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số.

Phong trào có ý nghĩa thiết thực, lôi cuốn khích lệ hàng triệu hội viên, nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, có ý thức vươn lên làm chủ trong cuộc sống, làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần, vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện, đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Giúp hơn 14.000 hộ thoát nghèo

Dự án "Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam" được Hội NDVN thực hiện từ năm 2006-2014 tại 6 tỉnh: Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An và Hà Tĩnh. Qua 8 năm thực hiện, dự án đã thành lập được 821 nhóm nông dân phát triển cộng đồng có cùng sở thích (trung bình mỗi nhóm có từ 10-15 hộ tham gia); ngoài ra, với sự hỗ trợ kinh phí từ các nhà tài trợ đơn lẻ từ Đan Mạch, 41 nhóm đã được nhận tài trợ để xây dựng các công trình thiết yếu như bể nước, hệ thống thủy lợi nhỏ, cầu dân sinh… phục vụ các nhu cầu của người dân nơi nhóm đang hoạt động...

Dự án “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm ở các xã đặc biệt khó khăn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; trong 10 năm (2000-2010) đã triển khai tại 129 xã nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của 43 tỉnh; xây dựng 22 loại mô hình sản xuất do chính các hộ nghèo thực hiện, Nhà nước hỗ trợ kinh phí dưới sự hướng dẫn, quản lý và giám sát của Hội theo cách “cầm tay chỉ việc” giúp cho 14.232 hộ nông dân là đồng bào DTTS thoát nghèo và vươn lên khá giàu.

Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn” từ năm 2011-2018, xây dựng 27 mô hình/27 xã (mỗi xã một mô hình), đã hỗ trợ 525 hộ hội viên nông dân nghèo có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản; qua đây, tổng đàn bò của địa phương được nâng lên; 100% hộ tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án, 100% hộ tham gia dự án tạm thời thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nơi thực hiện dự án từ 4-6%.

Phát huy vai trò “bà đỡ”

Đồng hành cùng nông dân trực tiếp hỗ trợ vốn giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, từ nguồn vốn khởi điểm 40 tỷ ban đầu do Chính phủ cấp; đến nay tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp tính đến 31/12/2018 đạt 3.065,82 tỷ đồng tăng hơn gấp 76 lần so với thời điểm khi mới thành lập; dư nợ cho vay trong toàn hệ thống hiện đạt hơn 2.800,0 tỷ đồng, với hơn 151.042 hộ tham gia vay vốn.

Tính riêng 5 năm (từ 2013 – 2018), doanh số cho vay nguồn vốn quỹ trong toàn hệ thống Hội đạt hơn 6.404,0 tỷ đồng, xây dựng được 15.529 mô hình liên kết hợp tác, hỗ trợ cho 310.050 lượt hộ vay vốn; trong đó, doanh số cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt gần 2.100,0 tỷ đồng, với gần 100.000 lượt hộ được tham gia vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển kinh tế, giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem