Như vậy, với 1 ha trồng ngô sinh khối có thể canh tác 3 vụ/năm, giúp nông dân thu lãi khoảng 80 - 90 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với cây trồng khác.
Cũng vì lí do đó mà những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương tại Hà Nội đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối để bán cho các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt, doanh nghiệp thu mua... Đặc biệt, việc trồng ngô sinh khối để tạo nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông giá rét ở miền Bắc sắp tới được doanh nghiệp, các trang trại rất quan tâm.
Bà con nông dân huyện Ba Vì cho biết, cây ngô dễ sống, dễ chăm sóc, nhất là ở các vùng đất phù sa, bãi bồi ven sông, đất đồi cây ngô cho năng suất rất tốt. Ngay cả ở các diện tích đất bạc màu, cây ngô cũng dễ sống hơn so với các loại cây rau màu, đậu đỗ.
Tại khu vực Ba Vì, cây ngô thường được bà con gieo trồng ở nhiều vụ khác nhau, song chủ yếu có các vụ chính là đông xuân, xuân hè và thu đông. Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, vụ thu đông nên gieo trồng trước 25/8 để có năng suất cao, còn vụ đông nên kết thúc trồng trước ngày 30/9 (chậm nhất đến 5/10 đối với giống ngắn ngày). Đối với vụ đông ở phía Bắc nếu gieo sau 20/9 thì phải làm bầu.
Ngoài trồng ngô lấy bắp, nhiều hộ nông dân tại huyện Ba Vì đang mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối để làm thức ăn cho bò thịt, bò sữa. Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch khi hạt mới chín sáp nhằm đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng cho vật nuôi.
Khi thu hoạch, toàn bộ thân cây (lá, bắp ngô) được xay, băm nhỏ để làm thức ăn trực tiếp cho gia súc hoặc chế biến (ủ chua), làm viên nén thành thức ăn tinh cho gia súc. Ngô sinh khối đang tạo ra bước chuyển mới trong tập quán canh tác của nhiều bà con trồng ngô địa phương.
Từ vụ đông năm 2021, ông Nguyễn Xuân Khu, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Chiểu (xã Phú Cường, huyện Ba Vì) cùng các thành viên đăng ký trồng hơn 20ha ngô sinh khối. Để đảm bảo đầu ra ổn định, HTX đã ký kết tiêu thụ với Công ty T&T 159 toàn bộ lượng ngô sinh khối. Công ty cam kết thu mua sản phẩm của HTX với giá tương đối ổn định.
“Ngô sinh khối không phải vun gốc như trồng ngô lấy hạt truyền thống, giúp tiết kiệm được công lao động. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, trồng ngô sinh khối sẽ nhàn. Khi cây phát triển đạt kích thước khoảng 30-40 cm thì dù gặp thời tiết mưa to, cũng không đáng ngại do bộ rễ của cây phát triển rất tốt, độ bám đất cao”, ông Khu cho hay.
Trong khi đó, gia đình chị Nguyễn Thị Oanh ở xã Minh Quang cũng đã chuyển đổi hơn 5 sào đất bãi sang trồng ngô sinh khối SSC 586. Theo chị Oanh, trồng ngô sinh khối có thuận lợi là rút ngắn thời gian chăm sóc và thu hoạch, mỗi vụ chỉ mất khoảng 70 ngày nên làm tăng hệ số sử dụng đất, bên cạnh đó cũng bớt phải lo lắng về thời tiết, sâu bệnh hại như làm ngô hạt.
"Toàn bộ diện tích ngô sinh khối của gia đình đều bón phân NPK-S của Supe Lâm Thao. Được cán bộ khuyến nông và cán bộ thị trường của Supe Lâm Thao hướng dẫn phương pháp chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật nên ngô sinh khối lớn nhanh, tươi tốt, thân to, cây nào cũng có bắp to như bắp tay. Năm ngoái, tôi bán giá 1,3 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi gần 2 triệu đồng/sào" - chị Oanh chia sẻ.
Chị Oanh cũng cho biết, ở đây bà con rất tin tưởng bón phân Lâm Thao cho cây ngô lấy hạt cũng như các diện tích trồng lúa, rau màu khác. "Cũng có vụ tôi nghe quảng cáo, giới thiệu thì dùng thử loại phân bón khác, nhưng tổng kết lại vẫn thấy tin dùng phân bón Lâm Thao nhất, bởi thực tế phân bón này đã có uy tín, chất lượng hàng chục năm nay rồi" - chị Oanh kể thêm.
Ngành nông nghiệp Hà Nội lưu ý, vụ đông tuy diện tích không nhiều nhưng lại gieo trồng rất nhiều loại cây trồng khác nhau như: Ngô (có ngô lấy hạt, ngô lấy sinh khối, ngô lấy bắp ăn tươi); rau (có nhóm rau củ quả, nhóm rau lấy thân lá, nhóm rau thơm,…); lạc, khoai lang, khoai tây, đậu các loại. Vì thế bà con cần bố trí cơ cấu về diện tích, thời vụ, chủng loại cho hợp lý, tránh việc một loại cây trồng diện tích quá nhiều, thu hoạch cùng lúc dẫn đến dư thừa, giá thấp.
Đối với ngô, đặc biệt là trồng ngô sinh khối thì phải căn cứ vào nhu cầu của các công ty chăn nuôi để liên kết ký hợp đồng bao tiêu thì mới tiến hành sản xuất; ngô lấy bắp ăn tươi căn cứ nhu cầu tiêu thụ của thị trường và kinh nghiệm của các vụ trước để sử dụng loại giống, vùng đất, diện tích, thời vụ hợp lý.
Đối với khoai tây nên sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp để được hỗ trợ về giống, kỹ thuật và bao tiêu hết sản phẩm khi thu hoạch. Đối với rau các loại: Từng gia đình, từng địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thị trường và rút kinh nghiệm những vụ trước để bố trí cơ cấu tỷ lệ các chủng loại rau cho phù hợp theo hướng rải vụ, đa dạng loại rau.