Mỗi tháng 8,5 triệu đồng một môn học thêm, cả năm hết 76,5 triệu, cộng thêm tiền sách hơn 6 triệu nữa là thành trên 82 triệu một em cho một môn học thêm. Tất nhiên, với số tiền này thì chỉ “con nhà giàu” mới theo học được.
Tôi không có quan điểm cào bằng, tuy nhiên tôi cũng không ủng hộ sự bất bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục quốc dân. Lưu ý, trường chuyên Trần Đại Nghĩa tức là trường công lập, được xây dựng và vận hành bằng thuế của người dân, chứ không phải trường tư.
Tôi ủng hộ các loại hình trường tư như là nơi lựa chọn tự do của phụ huynh dựa trên nhu cầu và khả năng tài chính của họ, còn trường công thì phải bình đẳng. Không thể mangmột ngôi trường được xây dựng và vận hành bằng thuế dân ra để cho người khác vào kinh doanh được.
Tôi muốn đặt câu hỏi rằng, khi những học sinh bỏ ra hơn 80 triệu đồng mỗi năm cho một môn học thêm như vậy trong trường công, và giả sử nó mang lại chất lượng thật sự, thì có phải chính nó cũng đã gián tiếp lấy đi cơ hội trong cạnh tranh (ví dụ vào đại học, và cũng là cơ hội công việc sau này) của những học sinh con nhà nghèo cùng trang lứa? Khoảng cách về sự giàu - nghèo, vì thế, sẽ không những không được rút ngắn mà từ đây, còn càng ngày càng rộng ra.
Tôi thử tìm hiểu thì thấy rằng chương trình “tiếng Anh tích hợp” hay “tăng cường” (nhưng có chỉ tiêu tuyển sinh ngay từ đầu cấp chứ không phải phát sinh sau khi đã vào trường như một vấn nạn hiện nay) thì đã được áp dụng ở nhiều trường tại TPHCM; nghĩa là với mức học phí như vậy, tiền trở thành một tiêu chí tuyển sinh quan trọng, chứ không phải chỉ là vấn đề học lực nữa. Một học sinh học giỏi nổi trội, nhưng cha mẹ làm công nhân thì chắc chắn sẽ không thể bước vào với học phí 8,5 triệu đồng/môn. Và như thế, em ấy sẽ rất có thể bị thua ngay từ vạch xuất phát so với bạn khác vốn nhiều tiền hơn và đã được học một chương trình ưu việt hơn.
Nhiều tiền thì có quyền lựa chọn học những thứ tốt nhất, tôi luôn ủng hộ, nhưng không phải là trong hệ thống trường công. Các bạn ấy có thể học trường tư, trường quốc tế hay đi du học tự túc, điều ấy không nhưng không thành vấn đề mà còn đáng khuyến khích. Nhưng khi các bạn này vào trường công, tức tiền đã trở thành một tiêu chí tuyển sinh, thì nghiễm nhiên tạo ra bất bình đẳng, và rất có thể những trường như trường chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ không còn là nơi “ươm mầm tài năng” như câu khẩu hiệu nữa, mà trở thành nơi tập trung của con nhà giàu. Và nó đồng nghĩa với con nhà nghèo học giỏi sẽ bị thiệt thòi trong tiếp cận giáo dục bình đẳng.
Tôi tìm hiểu thì thấy ở Mỹ hay Nhật chẳng hạn, dường như phụ huynh không phải nghĩ đến chuyện tìm trường cho con như Việt Nam, đơn giản vì nó giống nhau. Và vì thế, tiêu chí quan trọng nhất là gần nhà. Vẫn có những trường đặc biệt, nhưng là dành cho trẻ “đặc biệt” như dạng thiên tài hay có vấn đề về tính cách, tâm lý... Còn lại là như nhau.
Tôi cảm nghĩ rằng, chúng ta đang tạo ra một hệ thống giáo dục công rất có vấn đề, tiềm ẩn và đã phần nào lộ thiên về sự bất bình đẳng. Bản thân là giáo dục phổ thông nhưng ta lại chia ra nào là trường điểm, trường chất lượng cao, trường chuyên và những trường hạng hai, hạng ba (dù không chính thức nói ra), với lý do là tố chất khác nhau thì cần đầu tư khác nhau! Điều này không những là không đúng với nguyên tắc bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục như đã nói ởtrên, mà nó còn trở thành nguyên nhân làm bùng phát một cuộc chiến trong học sinh và phụ huynh, thậm chí đã dẫn đến những hiện tượng tiêu cực như chạy lớp, chạy trường vốn không còn xa lạ với người dân nữa.
Đến đây, câu hỏi mà nhiều người sẽ đặt ra để chất vấn, là học sinh thì vốn có năng lực khác nhau, tại sao lại đòi gom vào một chỗ? Xin trả lời: Giáo dục tiến bộ phải đảm bảo được tiêu chí cá nhân hóa. Tức là trong một lớp học có 30 học sinh với tính cách, sở thích, thiên tư khác nhau, thì nhiệm vụ của giáo dục là phải nuôi dưỡng một cách tốt nhất cho cả 30 cá tính ấy.
Với cách vận hành như của trường chuyên bây giờ, tiêu chí ấy còn xa vời lắm. Người ta chỉ gom những học sinh có cùng điểm số vào một chỗ và coi như cơ bản xong, và từ đó các em được dạy dỗ theo cùng một cái khuôn. Nếu “trường làng” là một cái khuôn lớn thì trường chuyên là một cái khuôn nhỏ hơn, vậy thôi.
“Chuyên” thật sự, chuyên đúng nghĩa phải là chuyên cho từng cá thể, từng học sinh một.
Ở ta, ngoài cái “chuyên điểm số” như từ trước đến giờ thì nay, còn thấy một loại chuyên nữa: Chuyên tiền. Rõ ràng, với hơn 80 triệu đồng/học sinh/năm/môn, thì không phải chuyên tiền thì là gì?
Giáo dục Việt Nam hình như càng đi càng xa với những nguyên lý phổ quát và rơi vào tình trạng rối loạn các chuẩn mực giá trị. Tôi nghĩ, đã đến lúc cần phải dừng lại và suy ngẫm về những nguyên tắc cơ bản và tối thiểu nhất của giáo dục trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.