Một tuần sau vụ cháy làm 56 người thiệt mạng hôm 13/9 vừa rồi, Công An TP Hà nội công bố kết quả điều tra, cho thấy nguyên nhân gây cháy do chập mạch đường dây dẫn điện của bình ắc quy nằm ở phần đầu của chiếc xe máy tay ga (sử dụng động cơ xăng).
Suốt tuần qua, nhiều người ta đã lan truyền thông tin, cho rằng vụ cháy bắt đầu từ việc sạc xe máy điện trong tầng hầm gây ra cháy, và từ đó, đã có hàng loạt chung cư tẩy chay xe máy sử dụng điện.
Thậm chí, đã có những “chuyên gia”, và cả những “cơ quan chức năng” lên tiếng, khuyên người dân nên làm thế này hay thế kia để không xảy ra hoả hoạn xi sạc xe điện ở nhà, ở hầm chung cư, trong đó có cả việc khuyên người dùng “không nên cắm sạc qua đêm”, kể cả với máy tính, điện thoại, đồ điện tử,…
Có thể hiểu được sự hoang mang của nhiều người dân đang ở trong các khu chung cư, khi họ tin vào những thông tin không được kiểm chứng, không có căn cứ về mặt khoa học, nhưng thật ngạc nhiên, đã không có ai ở các cơ quan chức năng lên tiếng rằng, việc “quy trách nhiệm” cho việc sạc điện xe máy là không có cơ sở, và ít nhất, là nên khuyên mọi người bình tĩnh, vì chưa có kết luận về nguyên nhân thật sự của vụ cháy.
Nhiều cơ quan truyền thông cũng vậy, thay vì tìm hiểu nguyênnhân thực sự của vụ hoả hoạn, nguyên nhân của thảm hoạ, đã đuổi theo lời đồn đại về đốm lửa từ việc sạc xe điện, và rốt cuộc, giúp cho cuộc tẩy chay xe điện bùng lên.
Ví dụ, nếu quan tâm thật sự, người ta có thể dễ dàng nhận được thông tin, là trong 4 bình chữa cháy có tại toà nhà, chỉ mới có 1 bình được sử dụng, 3 bình kia vẫn nguyên vẹn, chưa được sử dụng, tức là, dù đám cháy ban đầu nhỏ, và hoàn toàn có thể được dập tắt nếu có người và phương tiện phòng bị phù hợp, nó đã trở thành một thảm hoạ.
Hậu quả của những tin đồn thất thiệt như vậy không nhỏ, khi làm tổn hại và hoang mang cho hàng chục nghìn người đang sử dụng xe máy, xe đạp điện, là những phương tiện nên và cần được khuyến khích sử dụng ở các đô thị như Hà Nội, vốn đang bị ô nhiễm nặng nề bởi khí thải từ xe máy sử dụng động cơ xăng. Ở rất nhiều khu chung cư, lời lẽ nặng nề đã trút lên đầu những người sử dụng các phương tiện văn minh hơn, đòi đẩy, đuổi họ ra khỏi tầng hầm để xe, coi họ là nguyên nhân của những thảm hoạ. Trong khi đó, lẽ ra chính quyền cũng cần phải lên tiếng để bảo vệ họ, thúc đẩy tích cực hơn việc sử dụng phương tiện chạy điện, vốn không chỉ ít gây ô nhiễm, mà còn ít gây ra hoả hoạn hơn rất nhiều, so với phương tiện dùng động cơ xăng hay dầu.
Cháy, nổ, hoả hoạn thật ra là những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, với bất kì ai, một mối nối điện cẩu thả có thể phát sinh tia lửa, nếu gặp lúc tích tụ hơi xăng trong phòng kín, sẽ có thể thậm chí làm phát sinh cả một vụ nổ, một bất cẩn khi vận hành thiết bị cũng có thể tạo ra một đám cháy.
Trong điều kiện sống ở các đô thị, đặc biệt ở các công trình có mật độ tập trung dân số cao, thì việc sẵn sàng cho những tình huống rủi ro như vậy mới là quan trọng. Sự sẵn sàng ấy có thể và nên bắt đầu từ việc kiểm soát chặt chẽ và kỹ lưỡng việc lắp đặt thiết bị, đấu nối từng sợi dây, cho đến việc sử dụng các vật liệu phù hợp cho việc ngăn chặn cháy lan. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nhà chung cư hiện đại được thiết kế rất tiêu chuẩn để chống cháy lan, trong đó bao gồm việc tạo ra các cầu thang bộ cách ly với các vùng có nguy cơ xảy cháy, nhưng trong quá trình sử dụng, có không ít cư dân và người phục vụ ở đó, vì lý do nào đó, đã chèn cánh cửa ngăn cháy lại để không thể khép chặt được. Nói dại, nếu ở đó xảy ra cháy, thì cư dân chẳng có cách nào để thoát ra cả.
Phòng chống cháy sẽ nên bao gồm việc tuân thủ đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn vận hành và trang bị, từ các cảm biến báo cháy đến hệ thống chữa cháy tự động tại các khu vực có nguy cơ cao, từ việc tập huấn để thoát nạn đến việc sẵn sàng dập đám cháy khi nó xảy ra.
Đó mới là những việc có thể ngăn ngừa các đám cháy gây ra những thảm hoạ như hôm 13/9.
Và hy vọng, rồi cơn “lên đồng” tẩy chay xe điện sẽ hạ xuống, để thành phố của chúng ta sẽ thật sự giảm bớt ô nhiễm, từ các phương tiện dùng xăng dầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.