Dân Việt

14 hiệp hội kêu cứu Bộ Tài nguyên và Môi trường vì "phí tái chế của Việt Nam cao hơn cả châu Âu"

Quốc Hải 30/09/2023 14:55 GMT+7
Các nhà tái chế đã có lãi từ 3.000 - 5.000 đồng/kg nguyên liệu, nhưng theo Dự thảo áp định mức chi phí tái chế, các nhà sản xuất vẫn phải đóng phí để hỗ trợ các nhà tái chế. Như vậy là không phù hợp với thực tiễn, gây khó cho doanh nghiệp

14 hiệp hội lại kêu cứu tới Thủ tướng vì "phí tái chế của Việt Nam cao hơn cả châu Âu" - Ảnh 1.

14 hiệp hội lại kêu cứu vì "phí tái chế của Việt Nam cao hơn cả châu Âu". Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

14 hiệp hội này gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam; Dệt may Việt Nam; Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam; Gỗ & Lâm sản Việt Nam; Chè Việt Nam; Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam; Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam; Nhựa Việt Nam; Doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Theo các hiệp hội, dự thảo đang có nhiều định mức tái chế (Fs) cao bất hợp lý, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Fs bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Các "nhà" tái chế lãi rất cao

Theo các hiệp hội, nhiều định mức tái chế (Fs) hiện không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây khó khăn cho kinh tế và đời sống nhân dân.

Cụ thể, nhiều vật liệu có giá trị cao như bao bì nhôm, sắt, giấy carton…, được thu hồi và tái chế hầu hết không có nguy cơ tới môi trường, các nhà tái chế chính thức đang có lãi cao, nhưng dự thảo vẫn đưa ra mức Fs rất cao khiến các nhà sản xuất mặc dù đang rất khó khăn vẫn phải đóng góp nhiều để hỗ trợ các nhà tái chế.

Dẫn chứng cho điều này, các Hiệp hội cho hay, các nhà tái chế chính thức lãi từ 3.000 - 5.000 đồng/kg nhôm, 2.000 đồng/kg sắt và giấy carton 2.000 đồng/kg, nhưng theo Dự thảo áp định mức chi phí tái chế, các nhà sản xuất vẫn phải đóng góp để hỗ trợ các nhà tái chế 3.468 đồng/kg nhôm; 3.672 đồng/kg sắt và 1.938 đồng/kg giấy.

img

14 doanh nghiệp gửi bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh chụp màn hình.

"Nhiều định mức tái chế (Fs) đang rất cao, không phù hợp với thực tiễn, gây khó cho sản xuất-kinh doanh và đời sống nhân dân do tăng giá không cần thiết với nhiều sản phẩm, chỉ một bên hưởng lợi là các nhà tái chế được tăng thêm lãi, mà môi trường không có ích lợi gì thêm", các hiệp hội nhận định.

Fs trong dự thảo không phù hợp với kinh tế tuần hoàn

Theo các hiệp hội, Fs trong dự thảo chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được, như vậy là chưa đúng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Chưa kể, trong Báo cáo Nghiên cứu Môi trường ngày 28/10/2021 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã nêu rõ: "Cần thiết kế các chương trình điều chỉnh phí sao cho đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ chi phí hoạt động". Với các vật liệu giá trị cao, nhà tái chế đã thu hồi đầy đủ chi phí và có lãi, thì việc đóng góp nhiều để hỗ trợ họ như Dự thảo là không cần thiết. 

Nhiều định mức chi phí tái chế cao hơn cả trung bình châu Âu

Theo các hiệp hội, đáng lẽ chi phí tái chế của Việt Nam phải thấp hơn nhiều các nước châu Âu vì chi phí nguyên vật liệu và công nghệ như nhau nhưng chi phí nhân công của Việt Nam thấp hơn nhiều.

Tuy vậy, trong Dự thảo, Fs của bao bì sắt cao gấp 1,37 lần trung bình Fs của 32 nước châu Âu cùng Israel và Thổ Nhĩ Kỳ (3.672 đ/kg so với 2.680 đ/kg), Fs của nhôm cao gấp 1,26 lần (3.468 đ/kg so với 2.750 đ/kg), Fs của thủy tinh cao gấp 2,12 lần (2.020 đ/kg so với 951 đ/kg) mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ.

Thay vào đó, cần tập trung vào hỗ trợ cho tái chế các vật liệu có giá trị thấp, như rác thải nhựa.

Ngoài ra, các hiệp hội còn cho rằng, dữ liệu để tính Fs không đủ tin cậy về khoa học, chưa sát thực tế, thiếu khách quan.

Chính vì vậy, các hiệp hội đề xuất Chính phủ cho áp dụng hệ số 0,1 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì kim loại gồm cả nhôm và sắt, bao bì giấy (thay cho hệ số 0,2 cho nhôm và giấy; hệ số 0,4 cho bao bì sắt trong dự thảo), vì nhà tái chế chính thức đã có lãi lớn hàng ngàn tỷ khi chưa có hỗ trợ, và vì theo dự thảo, hệ số điều chỉnh là hệ số thể hiện hiệu quả tái chế; sản phẩm, bao bì có hiệu quả tái chế cao thì có hệ số điều chỉnh thấp và ngược lại. Bao bì nhôm, sắt có hiệu quả tái chế cao hơn 90%, nên hệ số 0,1 là phù hợp.

Ngoài ra, với các loại bao bì khác, các hiệp hội đề xuất áp dụng hệ số 0,45 thay cho 0,6 cho bao bì giấy hỗn hợp (4.911 đ/kg thay cho 6.548 đ/kg). Mức Fs này bằng chi phí tái chế thực tế của Công ty tái chế Đồng Tiến Bình Dương cộng chi phí thu gom, vận chuyển, bảo quản theo khuyến cáo của nhóm chuyên gia tư vấn CGTV.

14 hiệp hội lại kêu cứu tới Thủ tướng vì "phí tái chế của Việt Nam cao hơn cả châu Âu" - Ảnh 4.

Cần tập trung vào hỗ trợ cho tái chế các vật liệu có giá trị thấp, như rác thải nhựa... Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Áp dụng hệ số 0,2 cho nhựa cứng PET (1.979 đ/kg) và 0,3 cho nhựa cứng HDPE (2.968 đ/kg) thay cho 0,4 (3958 đ/kg): để phù hợp với thực tế là tái chế chai PET đang có lãi, tái chế PET có chi phí thấp hơn HDPE nên cần có Fs thấp hơn để khuyến khích nhà sản xuất chuyển HDPE sang PET dễ tái chế hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Áp dụng hệ số 0,4 thay cho 0,6 cho bao bì đơn vật liệu mềm (3.182 đ/kg thay cho 6.365 đ/kg); hệ số 0,4 thay cho 0,8 cho bao bì đa vật liệu mềm (4.243 đ/kg thay cho 8.371 đ/kg). Đề xuất này căn cứ vào số liệu tái chế của Hiệp hội Nhựa Việt nam. Để so sánh, Fs trung bình của các nước Đông Âu là 5.089 đ/kg.

Áp dụng hệ số 0,2 thay cho 0,6 cho bao bì thủy tinh (673 đ/kg thay cho 2.020 đ/kg): đề xuất này đúng hệ số khuyến cáo của Nhóm chuyên gia tư vấn của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 23/03/2023.

Ngoài ra, các hiệp hội cũng đề xuất áp dụng hệ số 0,15 – 0,19 cho phương tiện giao thông: Các sản phẩm phương tiện giao thông có hiệu quả tái chế từ 81% – 85% theo ISO và kinh nghiệm của Nhật Bản, vì vậy kiến nghị hệ số điều chỉnh trong khoảng 0,15 ~ 0,19 để hỗ trợ xử lý những phần khó hoặc không có giá trị tái chế.