Người dân Đà Nẵng hào hứng mang rác thải tái chế, phế liệu đổi lấy phân bón, hạt giống

Tuyết Nhung - Trần Hậu Chủ nhật, ngày 10/09/2023 06:13 AM (GMT+7)
Ngày 9/9, Hội Nông dân quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) tổ chức buổi phát động Chương trình thu đổi phế liệu, vật liệu, rác thải tái chế lấy phân bón và hạt giống, trên tinh thần hành động “Xây dựng Thanh Khê – Quận môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Bình luận 0

Tham dự buổi phát động có đại diện lãnh đạo Ban Xây dựng Hội và Văn phòng Hội Nông dân TP Đà Nẵng, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê, Phòng Kinh tế quận, Ban Tuyên giáo Quận ủy và đại diện cán bộ, hội viên nông dân của 5 phường.

Nông dân Đà Nẵng phát động đổi rác thải, phế liệu lấy cây giống, phân bón - Ảnh 1.

Ông Đàm Văn Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê phát biểu tại chương trình. Ảnh: T.N.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đàm Văn Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê cho biết: "Chương trình thu đổi phế liệu, vật liệu, rác thải tái chế lấy phân bón và hạt giống góp phần thực hiện Đề án "Xây dựng Thanh Khê – Quận môi trường" giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch của Hội Nông dân TP Đà Nẵng về hoạt động Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế".

Nông dân Đà Nẵng phát động đổi rác thải, phế liệu lấy cây giống, phân bón - Ảnh 2.

Buổi phát động chương trình diễn ra tại bờ Hồ điều tiết đường Hà Huy Tập, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.N.

Nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; tạo thói quen thu gom, phân loại, xử lý rác thải; từng bước khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu tối đa nguồn rác, chất thải này trong khu dân cư, đô thị".

Nông dân Đà Nẵng phát động đổi rác thải, phế liệu lấy cây giống, phân bón - Ảnh 3.

Các hội viên nông dân, người dân hào hứng mang rác thải tái chế, phế liệu đến đổi lấy phân bón, hạt giống. Ảnh: T.N.


Nông dân Đà Nẵng phát động đổi rác thải, phế liệu lấy cây giống, phân bón - Ảnh 4.

Tại điểm thu đổi, Hội Nông dân quận đã chuẩn bị phân bón và gói hạt giống các loại, thiết thực, gần gũi với nông dân đô thị như các loại hạt về rau, dây leo….

Theo thể lệ, hội viên nông dân mang rác thải rắn và phế liệu đến sẽ được cân đo và gửi phiếu tính giá trị bằng tiền tương ứng. Cứ 40.000 đồng sẽ quy đổi được một bao phân trùn quế (5kg), giá trị 10.000 đồng đổi được 1 gói hạt giống tự chọn. Các hội viên, nông dân có thể bỏ thêm tiền nếu chưa đủ giá trị quy đổi hoặc muốn mua thêm sản phẩm.

Nông dân Đà Nẵng phát động đổi rác thải, phế liệu lấy cây giống, phân bón - Ảnh 5.

Các loại giấy, lon, chai nhựa, sắt, thép… được cân đo và quy đổi thành tiền có giá trị tương đương. Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Văn Anh (65 tuổi, trú phường Hòa Khê) phấn khởi nói: "Được biết Hội Nông dân quận Thanh Khê tổ chức điểm quy đổi rác và phế liệu lấy phân bón, nên tôi đã mang đến lon bia, giấy, đổi được 1 bao phân trùn quế về trồng rau. Thực sự đây là một hoạt động rất hữu ích cho cộng đồng và môi trường đô thị, mong rằng chương trình sẽ tiếp tục duy trì để đông đảo hội viên, người dân tham gia, chung tay bảo vệ môi trường".

Nông dân Đà Nẵng phát động đổi rác thải, phế liệu lấy cây giống, phân bón - Ảnh 6.

Cứ 40.000 đồng sẽ quy đổi được một bao phân trùn quế (5kg), 10.000 đồng đổi được 1 gói hạt giống tự chọn. Ảnh: T.N.

Ông Hùng cho biết, qua buổi phát động chương trình, Hội Nông dân 5 phường trên địa bàn quận sẽ tiếp tục tăng cường tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương; huy động hội viên thu gom rác thải tái chế, phế liệu, vật liệu không dùng mang đến đổi lấy phân bón và hạt giống về gia đình thực hiện các mô hình nông nghiệp đô thị nhỏ tại nhà, nhằm góp phần tăng rau sạch cho mỗi bữa cơm gia đình, đồng thời góp phần giảm thiểu được lượng rác thải, phế liệu, vật liệu ra ngoài, ảnh hưởng đến môi trường sống của xã hội.

Nông dân Đà Nẵng phát động đổi rác thải, phế liệu lấy cây giống, phân bón - Ảnh 7.

Tuy giá trị quy đổi được không nhiều, nhưng hội viên và người dân địa phương rất phấn khởi khi được chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh: T.N.

Từ năm 2024 trở đi, chương trình được tổ chức và duy trì định kỳ mỗi tháng 1 lần ở 5/5 cơ sở Hội, để nhân rộng quy mô, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường xanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem