Giám đốc nông dân tái chế rác thành phân hữu cơ thu lãi 4,9 tỷ đồng/năm
Giám đốc nông dân tái chế rác thành phân hữu cơ thu lãi 4,9 tỷ đồng/năm
Thứ hai, ngày 28/08/2023 07:00 AM (GMT+7)
Mô hình biến rác thành phân hữu cơ, tái chế nhựa của ông Nguyễn Hữu Hoạch - Giám đốc HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã thu lợi nhuận 4,9 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm người dân tại địa phương.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Hoạch tại xưởng chế biến chai nhựa phế thải thuộc HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (xã Lưỡng Vượng, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Mặc dù ở tuổi 73 nhưng những bước chân của ông vẫn thoăn thoắt và luôn nhiệt tình, tràn đầy năng lượng.
Hiện hữu trước mắt chúng tôi là một bãi rác gồm hàng triệu chai nhựa xếp chồng lên nhau. Ông Hoạch cho biết, năm 2012, HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình quyết định lập nhà xưởng chế biến nhựa phế thải, mục đích là giảm việc chôn lấp rác thải và khai thác nguồn lợi từ rác.
Nhờ sự quyết tâm và tính toán chi tiết, HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình bước đầu đã có thêm nguồn thu, rồi dần dần có lãi, tạo thêm được nhiều công ăn việc, thu nhập cho người lao động. Cụ thể, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hơn 90 thành viên là Cựu chiến binh, con cháu Cựu chiến binh và 13 gia đình chính sách. Trong đó có 38 hộ nghèo có công việc ổn định, mức lương ổn định trung bình 5.500.000đ/ người/tháng.
Hiện nay, HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình đã có 1 máy tái chế nhựa phế thải, 1 máy giặt bao tải, 1 máy xeo giấy, 4 xe ô tô chở rác và 5 xe điện đi vào các ngõ ngạch, các khu vực xe dân cư để thu gom rác thải về phân loại.
Mỗi ngày HTX thu gom trên 30 tấn rác trên địa bàn TP.Tuyên Quang và huyện Yên Sơn.
Sau hàng chục năm canh cánh với môi trường và việc thu gom, tái chế rác thải nhựa thì vị Giám đốc nông dân Nguyễn Hữu Hoạch đang sử dụng phế thải chai nhựa ủ làm phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đây là mô hình dễ làm, dễ thực hiện, chi phí thấp hiệu quả lại cao, cũng là một hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Người dân rất phấn khởi khi áp dụng thành công mô hình này. Anh Trần Văn Thanh xã Lưỡng Vượng, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, phân bón này rất hiệu quả mà không tốn kém.
"Nếu như trước đây mỗi gốc sắn trọng lượng 1 đến 2 kg thì từ khi áp dụng phương pháp ủ phân hữu cơ từ rác mỗi gốc sắn đã tăng lên 3 đến 4 kg. Hoặc khi trồng mía, phân giúp cho cây mía mọc khỏe, đâm nhiều nhánh, mật độ cây cao", anh Thanh khẳng định.
Khi được hỏi thành công lớn nhất trong suốt hàng chục gắn bó với mô hình tái chế nhựa, biến rác thành phân hữu cơ, ông Hoạch hồ hởi đáp: "Cải thiện được môi trường nông thôn, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại xã, và nhân được giống cây đa Tân Trào là những điều tôi nghĩ là thành công ở tuổi 73. Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.