Tháng 2 năm 2019, tôi tháp tùng đoàn đại biểu của Bộ Thông tin và Truyền thông sang Cuba dự Hội chợ sách quốc tế La Habana lần thứ 28, sự kiện này thu hút sự tham gia của 127 nhà xuất bản đến từ 44 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Một chung cư trong Làng Bến Tre ở đất nước Cu Ba
Chủ tịch Viện sách Cuba Juan Rodríguez Cabrera cho biết, việc tổ chức Hội chợ sách quốc tế thường niên chính là minh chứng cho việc gìn giữ văn hóa đọc sách của người dân đảo quốc Caribe này.
Đây đã và sẽ luôn là một trong những yếu tố giúp cho nền khoa học của đất nước Cuba tiếp tục phát triển bất chấp những khó khăn trong tiếp cận thông tin và công nghệ mới do lệnh cấm vận nhiều năm qua. Đây cũng là sự kiện văn hóa quan trọng và lớn nhất trong năm để chào mừng kỷ niệm 60 năm cuộc cách mạng Cuba và Thủ đô La Habana tròn 500 năm tuổi.
Khi mọi việc chuẩn bị cho gian hàng sách của Việt Nam đã cơ bản hoàn tất, đoàn chúng tôi được nghỉ nửa ngày. Anh Chu Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, trưởng đoàn hỏi: Giờ mình tranh thủ đi tham quan ở đâu?
Vốn đã có chủ định từ trước, tôi mạnh dạn đề xuất: Đến thăm Làng Bến Tre!. Mọi người trong đoàn tỏ vẻ rất ngạc nhiên và thú vị khi biết ở Cuba có một ngôi làng mang tên Bến Tre, quê hương của tôi và anh Chu Hòa nhất trí với đề nghị này.
Chiếc xe 16 chỗ chở đoàn chúng tôi khởi hành rất sớm, cô Roxy - hướng dẫn viên người Cuba cho biết, Làng Bến Tre trước đây là nông trường chăn nuôi bò sữa nổi tiếng Niña Bonita thuộc La Habana, nay thuộc tỉnh Artemisa theo quyết định phân chia địa giới mới của Quốc hội Cuba. Artemisa hiện là trung tâm thương mại và chế biến trọng điểm của khu vực, chuyên sản xuất và xuất khẩu mía, thuốc lá, dứa, các loại trái cây, rượu, xà phòng...
Đặc khu kinh tế phát triển Mariel tỉnh Artemisa là đặc khu đầu tiên và duy nhất của Cuba, có vị trí địa lý đắc địa ở trung tâm biển Caribe, tại ngã tư của các tuyến giao thông thương mại hàng hải chính ở Tây bán cầu.
Trên đường đi về hướng Tây của Thủ đô La Habana, những nông trường trồng cam, chuối dài hàng chục cây số cứ lao vun vút qua mắt chúng tôi, nhìn mãi mà không hết.
Tấm bia có vẽ cờ hai nước ở đầu làng Bến Tre ở Cu Ba.
Sau hơn 40 phút trên quốc lộ, xe rẽ vào một con đường nhỏ bên tay phải và in vào mắt chúng tôi là một cụm tượng đài với phong cách quen thuộc như ở quê nhà: Đôi nam nữ nông dân Việt Nam với khẩu súng và con trâu đặt trên trụ bê-tông khá cao.
Trời vùng Caribe xanh thắm đến khó tả và trên cái nền ấy, cụm tượng màu trắng dù không quá lớn nhưng rất nổi bật và sinh động, đó là cổng vào làng.
Làng Bến Tre (Bentre Comunidad) chính thức mang tên tỉnh Bến Tre của Việt Nam vào ngày 20-12-1969 theo quyết định của lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro để tôn vinh tỉnh đầu tiên Đồng khởi tại miền Nam Việt Nam.
Nhà Việt Nam trong Làng Bến Tre ở đất nước Cu Ba.
Lúc mới lập, làng chỉ có 41 căn nhà, là nơi định cư cho những người lao động tại nông trường chăn nuôi bò sữa.
Đến năm 1972, Chính phủ Cuba cho xây dựng thêm nhiều chung cư cao tầng, trường học, một trung tâm thương mại gồm cửa hàng, nhà hàng, có cả phòng khám đa khoa và dịch vụ nha khoa. Hiện tại, làng quy tụ khoảng 200 gia đình với trên 1.000 người dân.
Là một chuyến đi không báo trước nên đoàn chúng tôi cứ thong thả tản bộ vào làng. Các con đường trong làng được trải nhựa và không một miếng rác, trước tòa chung cư đầu tiên có một tấm bia bằng bê-tông vẽ Quốc kỳ Cuba và Việt Nam.
Nhiều đứa trẻ chạy theo chúng tôi, tụi nó rất đẹp và thân thiện khi được chụp ảnh. Tôi thấy một phụ nữ trong làng đến bên người tài xế hỏi thăm về đoàn khách Việt Nam đột xuất nầy, sau đó mới biết bà là Daisy Alonso Pérez - Giám đốc Nhà Việt Nam tại Làng Bến Tre.
“CASA VIETNAMITA” (Nhà Việt Nam) trái tim của ngôi làng, như một bảo tàng nhỏ, được xây dựng từ tháng 9-1975 để chào mừng sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam theo sáng kiến của nữ anh hùng Cuba Melba Hernandez - khi đó là Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam. Ngôi nhà dựa theo phiên bản Nhà sàn Bác Hồ.
Sàn làm hoàn toàn bằng gỗ và tre, mái lợp lá, bên trong trưng bày rất nhiều hình ảnh về tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước và rất nhiều vật lưu niệm từ Việt Nam.
Bước lên những bậc thang vào Nhà Việt Nam, tôi thấy ngay chiếc đĩa đồng khắc bốn chữ “Bến Tre Đồng Khởi” và hai bức ảnh tượng đài Đồng Khởi, nhà truyền thống Đồng Khởi treo ở vị trí trân trọng.
Một số hiện vật trưng bày trong Nhà Việt Nam.
Trong nhà có các phần trưng bày phong phú về lãnh tụ Hồ Chí Minh, Fidel Castro, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Che Guevara, Nguyễn Văn Trỗi và Anh hùng Núp.
Đặc biệt, Nhà Việt Nam có một bức tranh làm bằng gáo dừa và nhiều hình ảnh, tư liệu về hai nữ anh hùng của hai nước: Nữ tướng Nguyễn Thị Định và Anh hùng Moncada, Melba Hernandez. Gọi bà Melba Hernadez là anh hùng vì trong trận tiến công vào pháo đài Moncada ngày 26-7-1953 của đội quân cách mạng 164 người do Fidel chỉ huy, chỉ có hai phụ nữ, trong đó có bà Melba - một người cũng có học vị tiến sĩ luật như Fidel.
Sau khi Cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, bà Melba giữ nhiều chức vụ quan trọng. Cuộc đời hoạt động của bà Melba gắn chặt với Việt Nam. Năm 1963, Ủy ban Đoàn kết với miền Nam Việt Nam, tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam bây giờ được thành lập, Fidel giao cho bà làm Chủ tịch.
Bà vận động ủng hộ Việt Nam khắp Cuba và nhiều lần sang Việt Nam mang theo hàng hoá, nhu yếu phẩm do nhân dân Cuba quyên góp gửi tặng nhân dân Việt Nam.
Tác giả và bà Daisy Alonso Pérez - Giám đốc Nhà Việt Nam tại Làng Bến Tre.
Bà Daisy Alonso Pérez - Giám đốc Nhà Việt Nam tại Làng Bến Tre cho biết: Nhà Việt Nam là nơi hội họp tổ dân phố, hội phụ nữ, là nơi đoàn thanh niên và cả cộng đồng giao lưu, sinh hoạt.
Tại đây, hàng năm đều diễn ra các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập của cộng đồng bằng những hoạt động như: Trình chiếu một bộ phim liên quan tới Việt Nam, đọc và bình các tác phẩm văn chương và báo chí về đất nước Việt Nam, hay tổ chức một cuộc triển lãm nhỏ về những tác phẩm của một nghệ sĩ, một nghệ nhân thủ công nào đó.
Đây cũng là nơi để trẻ em trong làng học nhóm, cùng nhau tập luyện những tiết mục văn nghệ hay đơn giản chỉ tới để hóng mát và vui đùa.
Khi tôi hỏi: Cư dân trong làng biết những gì về tỉnh Bến Tre. Câu trả lời của bà Daisy Alonso Pérez làm tôi vô cùng thích thú và tự hào: “Bến Tre là tỉnh đầu tiên của Việt Nam giành được độc lập trong chiến tranh chống Mỹ!”.
Điều thú vị là xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - quê hương của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, từ năm 1984 đã được đặt tên là Làng Moncada như nghĩa cử đáp lại tấm lòng Làng Bến Tre của Cuba.
Chính bà Nguyễn Thị Định khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam đã đưa phái đoàn cấp cao của Cuba về Lương Hoà để trao cho xã cái tên cao quý, thấm đẫm nghĩa tình đó. Làng Moncada Việt Nam kết nghĩa với làng Bến Tre Cuba như một biểu tượng của tình anh em sâu đậm Việt Nam – Cuba không bao giờ phai nhạt.
Đất nước Cuba có rất nhiều cây dừa, tạo thành cảnh quan tuyệt đẹp. Trong Làng Bến Tre và chung quanh ngôi Nhà Việt Nam cũng có trồng dừa. Như được về quê, tôi nói với các em bé Cuba bằng Tiếng Việt: Chúng ta là đồng hương xứ Dừa nhé!
Trước khi chia tay Làng Bến Tre, tôi vinh dự được giao nhiệm vụ thay mặt đoàn Việt Nam viết vào sổ lưu niệm, trong đó có đoạn:”…sẽ đem những hình ảnh ghi nhận được về cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Bến Tre và gia đình tôi xem. Chúc các bạn luôn phát triển, chúc tình hữu nghị giữa Việt Nam - Cuba, Làng Bến Tre Cuba và Làng Moncada Việt Nam mãi mãi tốt đẹp”.