Cây cổ thụ hình dáng lạ hơn 1.000 năm tuổi ở Hòa Bình là loài cây gì mà vẫn "chửa đẻ" sòn sòn?

Thứ bảy, ngày 30/09/2023 05:24 AM (GMT+7)
Cùng với bản Lác, hang Láng, hang Piềng Kẻm, cây thị xóm Mỏ, một cây cổ - cây di sản Việt Nam gắn với vùng đất Mường Thượng, xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Du khách đến đây không khỏi sửng sốt trước vẻ kỳ vĩ của cây thị già tuổi đời hàng nghìn năm. Tháng 8, tháng 9 là mùa thị chín...
Bình luận 0
Một số người làm du lịch ở địa phương đang ấp ủ thực hiện ý tưởng xây dựng chuỗi hoạt động trải nghiệm với lịch trình cây thị xóm Mỏ - bản Lác - hang Piềng Kẻm để góp phần giới thiệu, quảng bá về điểm đến Chiềng Châu tươi đẹp, mang giá trị lịch sử và giàu bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Cây cổ thụ hình dáng lạ hơn 1.000 năm tuổi ở Hòa Bình là loài cây gì mà vẫn "chửa đẻ" sòn sòn? - Ảnh 1.

Du khách chiêm ngưỡng cây thị xóm Mỏ, xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Cây thị hơn 1.000 năm tuổi này hàng năm vẫn ra trái và là cây cổ thụ đã được vinh danh cây di sản Việt Nam.

Nằm ngay bên đường ở cuối xóm Mỏ, cây thị cổ thụ như một người khổng lồ sừng sững, mang trên mình những trầm tích của thời gian. 

Anh Mạc Văn Quân, cán bộ văn hóa xã Chiềng Châu cho biết: Để được công nhận là cây di sản Việt Nam, cây thị này hội tụ đầy đủ tiêu chí như: mọc tự nhiên, sống ít nhất 200 năm, cao to hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc. Đặc biệt là cây có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử. 

Du khách đến đây không khỏi sửng sốt trước vẻ kỳ vĩ của cây thị già tuổi đời hàng nghìn năm, gốc to đến cả chục người ôm không xuể, từng mảng rễ xù xì, gồ ghề, u cục nổi quanh gốc và những lớp vỏ dày tróc ra từng mảng. 

Giữa thân cây thị còn thủng lỗ chỗ những mảng lớn, ngay cả những cành trên ngọn cũng bám rêu mốc, nhuốm màu thời gian.

Người dân nơi đây thuộc làu về câu chuyện truyền thuyết khi xưa giặc cờ đen phương Bắc do Chư soái Lưu Hữu Phúc chỉ huy từ mạn Mộc Châu (Sơn La) tràn xuống, cho quân xây dựng đồn lũy tại khu vực cây thị xóm Mỏ hòng chiếm đóng Mai Châu. 

Quân giặc tàn ác đi đến đâu vơ vét tài sản của dân, tàn phá mùa màng, giết trai tráng trong làng và binh sĩ nơi chúng đi qua, lấy thủ cấp nộp cho Chư soái lấy công và treo lên ngọn cây thị để thị uy. 

Sau khi đã nhận công, chúng đào hố chôn tập trung cách gốc cây thị khoảng 200 m về phía Thanh Hóa. 

Mỗi khi đi qua đây, người dân đều vô cùng căm phẫn trước tội ác dã man của quân giặc. 

Chính vì vậy, họ nung nấu ý chí đánh đuổi ngoại xâm. Cây thị xóm Mỏ trở thành chứng nhân tội ác một thuở.

Đến thời Pháp thuộc, giặc tiếp tục bắt bớ và chém giết người vô cớ rồi cắt đầu treo lên cây thị. Gốc thị từng nhuốm máu đào của bao chiến sỹ yêu nước. 

Những năm chiến tranh, giặc ném bom dữ dội, gốc thị già thành nơi họp hội dân quân du kích, bày binh, bố trận để chiến đấu. Cây chính là chứng nhân lịch sử trong 2 cuộc chiến tranh của dân tộc, là vị cứu tinh che chở cho dân làng.

Tháng 8, tháng 9 là mùa thị chín, người dân đi qua đây vẫn được hít hà mùi thơm ngào ngạt của những trái thị thơm. 

Cây thị cổ thụ như linh hồn của người Thái Mai Châu. Người dân coi cây thị là tài sản vô giá và tin rằng cây thị rất linh thiêng. 

Ngày trước, kể cả các vị quan lang đi qua nơi đây đều phải xuống ngựa dắt qua. Ngày nay, vào dịp lễ hội Xên Mường hàng năm, thầy mo trước tiên phải thực hiện nghi lễ cúng tại gốc thị sau đó mới quay về đình làng Bôn hành lễ.

Năm 2016, cây thị xóm Mỏ được vinh danh là cây di sản Việt Nam. Nhờ được bảo vệ tốt nên cây thị cổ thụ vẫn vẹn nguyên sức sống, tỏa bóng xanh mát quanh năm. 

Người dân trong xóm thường xuyên phân công nhau đến chăm sóc, quét dọn cây cổ thụ. Chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để người dân và du khách hiểu thêm giá trị của chứng nhân lịch sử, chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Bùi Minh (Báo Hòa Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem