Phóng viên Dân Việt đã trở lại "bản lũ quét" Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào những ngày mưa cuối tháng 9/2023. Trận mưa kéo dài suốt đêm khiến những hộ dân sống ven khe suối Huồi Giảng không ai ngủ được. Lực lượng chức năng ở xã, bản cũng "trực chiến" cả đêm để khi nước lũ dâng cao thì kịp thời thông báo để bà con kịp thời ứng phó.
Thấy mưa lại thấp thỏm lo chạy lũ
Mỗi khi trời mưa to bà con người Thái sống ở bản Hòa Sơn và Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lại như đứng trên đống lửa. Xóm trên, xóm dưới hô hoán nhau rục rịch chạy lũ. Con suối chạy qua bản ngày nào hiền hòa là vậy nay như một hung thần ác sát cuốn phăng đất đai, nhấn chìm nhà cửa và đe dọa đến tính mạng của hơn 200 hộ dân.
Bản Hòa Sơn nằm ngay sau UBND huyện Kỳ Sơn. Đây là nơi sinh sống của hơn 245 hộ dân là đồng bào người Thái. Đầu tháng 10/2022, trận lũ kinh hoàng đã xảy ra khiến hơn 70 hộ gia đình bị ảnh hưởng, nhiều hộ mất nhà, tài sản. Lũ rút đi khiến cả bản rơi vào cảnh hoang tàn. Nhà cửa, ruộng vườn bị đất đá cuốn trôi hoặc vùi lấp.
Sau bao nỗ lực của chính quyền và của chính bà con dân bản, cuộc sống thường nhật mới dần trở lại. Những tưởng trận lũ lịch sử sẽ không lặp lại, vậy mà ngay trong những ngày đầu mùa mưa năm nay, bà con người Thái ở xã Tà Cạ lại thêm lần nữa chống chọi với lũ. Nguy hiểm hơn là trời cứ mưa to kéo dài 3-4 ngày là lũ lớn kéo về. Lũ xuất hiện thường xuyên khiến các hộ gia đình nơi đây sống trong lo âu, lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo bị mất nhà, mất cửa.
Nhìn bầu trời vần vũ, mây mù bao phủ mà lòng ông Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn lại nặng trĩu nỗi âu lo. Nước từ con suối chảy qua bản ngày một dâng cao, gào thét, kéo theo cây cối từ thượng nguồn đổ về bản. "Vào mùa mưa bà con trong bản chẳng có đêm nào ngon giấc. Lũ mà dâng lên cao là cả bản dễ bị kéo đi, nên anh em phải canh phòng, không thể lơ là giây phút nào cả", ông Truyền lo lắng. Sự thận trọng của ông Truyền là không thừa, vì năm ngoái trận lũ kinh hoàng đã cuôi trôi nhiều nhà cửa của người dân trong bản.
Mưa xối xả, nước trên nguồn đổ về gào như thác đổ. Con suối Huồi Giảng ngày nào chảy qua bản hiền hòa là vậy, nay nó như một trận cuồng phong, cuốn bay mọi thứ. Ông Truyền vội bật loa truyền thanh lên thông báo cho toàn dân chuẩn bị ứng phó. Tiếng loa vừa dứt, từ xóm trên, xóm dưới, người người, nhà nhà lũ lượt vận chuyển đồ đạc lên chỗ cao hơn. Nhà nào ở chỗ thấp thì di chuyển con cái đi nơi khác ở nhờ. Không khí chạy lũ diễn ra thật khẩn trương, ai cũng sợ chậm một phút là bỏ mạng như chơi.
Bất chấp sự khẩn trương của của bà con bản Hòa Sơn, mực nước suối dâng cao rất nhanh. Chưa đầy nửa giờ, sân nhà văn hóa đã bị nhấn chìm, đường chính ra huyện biến thành sông. Nhìn dòng nước lũ đục ngầu đang thét gào như muốn xới tung cả bản, ông Mạc Văn Ký – người ở bản Hòa Sơn không giấu được nỗi lo: "Trận lũ vào đầu tháng 10/2022 khiến gần nửa bản rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Nguy hiểm hơn cả là nó làm cho suối Huồi Giảng mở rộng ra 2 bên. Dòng nước chảy đến đâu là nuốt hết đất cát, nhà cửa, ruộng vườn của bà con. Giờ đây, khe nước này lại trở thành dòng chảy chính. Trời cứ động mưa là cả bản luôn phải chuẩn bị tinh thần chạy lũ".
Nỗi lo của bà con người Thái ở bản Hòa Sơn đang dần thành hiện thực. Trường mầm mon, trường tiểu học, nhà văn hóa của bản đã không thể sử dụng được nữa sau trận lũ lịch sử năm 2022. Năm nay, nước lũ tiếp tục đe dọa tới các hộ dân trong bản. Đặc biệt là những hộ dân sống gần suối, đứng trước nguy cơ mất cả cơ nghiệp. Theo ông Truyền, hiện tại còn khoảng 10 hộ trong bản đang còn trụ lại ở khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở.
"Nhà tôi ở bên mép khe Huồi Giảng. Năm ngoái lụt nặng, đồ đạc bị cuốn trôi đi hết, nhà chỉ còn cái khung. Xe máy có 2-3 chiếc ngập bùn hết, có xe sửa được, có xe bán sắt vụn. Từ trận lũ xảy ra năm ngoái nên gia đình rút kinh nghiệm, hễ mưa về là chạy, chạy cả người cả của, chị Kha Thị May nói và cho biết bà con trong bản Hòa Sơn mong muốn sớm được chuyển đến nơi ở an toàn.
Sau mỗi mùa mưa con suối chảy qua bản lại đào sâu hơn và mở rộng lòng suối ra hai bên. Nhà cửa của bà con bị đào vào tận móng và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ toàn bộ. Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, tại 2 bản Hòa Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ đang ở trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Trận lũ năm 2022 đã gây ra 4 cung trượt, sạt lỏ đất làm ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của 233 hộ dân. Việc xử lý dứt điểm các cung trượt, sụt lún này là điều rất khó khăn và không khả thi vì cung trượt dài, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, không xác định được mặt trượt và chân cung trượt.
Gấp rút ngày đêm xây dựng khu tái định cư cho người dân
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: "Sau trận lũ quét xảy ra vào tháng 10/2022, các cấp chính quyền đã bố trí xen ghép tại chỗ cho 37 hộ dân vào nơi an toàn. Với những hộ dân còn lại, chúng tôi mong muốn, các cấp sớm hoàn thành khu tái định cư sớm ngày nào bà con nơi đây bớt lo lắng ngày đó".
Thấy trời mưa to, nước lũ kéo về cuồn cuộn, bà La Thị Mai ở bản Hòa Sơn lại lo lắng chạy gần khe Huồi Giảng xem tình hình. Trận lũ năm ngoái đã cuốn trôi ngôi nhà bà đang ở cùng 2 dãy nhà trọ. Khi lũ qua đi, gia đình bà đã các chiến sỹ biên phòng cùng các lực lượng chức năng sở tại dựng lại 2 gian nhà nhỏ trên mảnh vườn của người cháu.
Ngôi nhà dù không lớn, nhưng đảm bảo an toàn cho bà và người chồng bị tai biến, vận động khó khăn. Trước nhà, bà trồng các loại rau xanh để cải thiện bữa ăn gia đình. Không may mắn bà Mai, nhiều hộ dân vẫn đang sống cạnh khe Huồi Giảng, đối mặt với nguy cơ lũ quét, sạt lở. Vì vậy, họ mong muốn chính quyền các cấp sớm bố trí nơi ở mới an toàn hoặc xây kè hai bên bờ khe để đảm bảo tính mạng và tài sản cho các hộ dân mỗi khi mưa, lũ xảy ra.
Thông tin về Dự án, ông Nguyễn Văn Long – Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau trận lũ quét xảy ra ngày 2/10/2022, trên địa bàn xã Tà Cạ có 54 hộ bị trôi, sập nhà cửa hoàn toàn, không có nơi ở. Sau khi đi kiểm tra hiện trường, tại cuộc họp khẩn cấp, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị huyện Kỳ Sơn khẩn trương khảo sát một địa điểm, trước mắt bố trí cho 54 hộ bị sập và trôi hoàn toàn và về lâu dài sẽ bố trí cho hơn 250 hộ dân nằm trong diện nguy cơ cấp độ 1 – những hộ nằm ven sông, ven suối và gần các khu vực đồi núi cao có khả năng ảnh hưởng sạt lở.
"Dự kiến đến khoảng cuối tháng 10/2023, dự án sẽ bắt đầu tiến hành khởi công. Do đặc thù nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương giao năm 2022 để thực hiện các dự án bố trí dân cư thiên tai cấp bách năm 2023, nguồn vốn này hạn thanh toán đến hết ngày 31/12/2023", ông Long thông tin và cho biết tiến độ thi công Dự án rất cấp bách nên UBND huyện Kỳ Sơn đã giao cho Ban quản lý dự án huyện Kỳ Sơn lên phương án, giải pháp để sau khi tổ chức đấu thầu xong là làm ngày, làm đêm để đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Sau khi hoàn thành, các cơ quan chức năng sẽ bàn giao và bố trí đưa các hộ dân lên ở nhằm sớm ổn định lại cuộc sống.