Nghệ An sẽ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai cho 8.000 hộ đến năm 2030

Khương Lực Thứ ba, ngày 03/10/2023 07:00 AM (GMT+7)
Tỉnh Nghệ An có nhiều khu vực miền núi, nguy cơ thiên tai xảy ra rất lớn nên tỉnh rất quan tâm đến chương trình bố trí ổn định dân cư. Theo đề xuất của các địa phương, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An cần bố trí ổn định cho khoảng 5.000 hộ; mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2030 sẽ bố trí ổn định cho 8.000 hộ.
Bình luận 0

Phóng viên Dân Việt phỏng vấn ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An (Sởn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An) về kết quả và những định hướng triển khai thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An?

- Tỉnh Nghệ An xác định Chương trình bố trí dân cư là một trong những chương trình hết sức quan trọng; Bởi vậy, các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương rất quan tâm để thực hiện. Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh Nghệ An đã bố trí được hơn 1.000 hộ đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống cho người dân.

Nghệ An sẽ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai cho 8.000 hộ đến năm 2030- Ảnh 1.

Ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An) trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Việt về kết quả và những định hướng triển khai thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Khương Lực


Trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An cũng đang quyết liệt tập trung thực hiện một số dự án để sớm hoàn thành và sớm ổn định cuộc sống cho người dân.

Bố trí dân cư vùng thiên tai được xem là nhiệm vụ cấp thiết, cần được thực hiện càng sớm càng tốt, bởi liên quan trực tiếp tới tính mạng và tài sản của người dân. Vậy, thực tế tại tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn dành cho bố trí dân cư vùng thiên tai được phân bổ và triển khai như thế nào?

- Như tôi đã nói, tỉnh Nghệ An xác định Chương trình bố trí dân cư rất quan trọng. Đặc thù Nghệ An là một tỉnh có nhiều khu vực miền núi, nguy cơ thiên tai là rất lớn cho nên tỉnh rất quan tâm. Giai đoạn 2021-2025 mặc dù nguồn ngân sách khó khăn nhưng tỉnh Nghệ An đã dành trên 100 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ một số dự án di dân tập trung.

Nghệ An sẽ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai cho 8.000 hộ đến năm 2030- Ảnh 2.

Sau những ngày mưa kéo dài, nước lũ dâng lên, chảy cuồn cuộn qua con suối ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào cuối tháng 9/2023. Ảnh: Khương Lực

Tùy theo tình hình cụ thể hàng năm, tỉnh Nghệ An cũng cân đối các nguồn ngân sách khác để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các dự án bố trí dân cư. Điển hình như năm 2022, trận lũ quét rất lớn đã xảy ra trên địa bàn xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã trích 30 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ huyện Kỳ Sơn xây dựng dự án bố trí dân cư tập trung. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn lồng ghép các nguồn vốn xã hội hóa thông qua UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức đóng góp để hỗ trợ huyện Kỳ Sơn hoàn thành các dự án bố trí dân cư cho xã Tà Cạ.

Còn về vốn sự nghiệp để hỗ trợ thực hiện theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay tỉnh đang xây dựng Nghị quyết "Quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2030" để trình HĐND tỉnh thông qua vào tháng 12/2023 nhằm hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai.

Như ông vừa nói, tỉnh đang chuẩn bị ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện chương trình bố trí dân cư. Vậy ông có thể nói rõ hơn về nội dung, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ có trong Nghị quyết?

- Theo dự thảo Nghị quyết đã được UBND tỉnh Nghệ An thông qua và Ban cán sự đảng UBND tỉnh đang trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến. Chúng tôi dự kiến hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình được bố trí ổn định dân cư xen ghép đến các vùng biên giới (bao gồm khu kinh tế- quốc phòng), mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân; các vùng còn lại, mức hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân. Đối với các gia đình, cá nhân thuộc đối tượng của Chương trình được bố trí dân cư tập trung đến các vùng biên giới (bao gồm khu kinh tế- quốc phòng), mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân; các vùng còn lại, mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân sau khi các hộ đã di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống.

Tỉnh Nghệ An cũng hỗ trợ cho cộng đồng dân cư nơi bố trí dân cư xen ghép có từ 05 hộ trở lên thuộc đối tượng của Chương trình di chuyển đến; mức hỗ trợ được tính trên số lượng hộ gia đình, cá nhân di chuyển đến nơi tái định cư, với định mức 50 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân để xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Qua rà soát từ các địa phương, ông đánh giá gì về nhu cầu bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An?

Tỉnh Nghệ An đã xây dựng quy hoạch bố trí ổn định dân cư cho giai đoạn 2021 - 2030. Theo đề xuất từ các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An cần bố trí ổn định cho khoảng hơn 5.000 hộ và mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2030 tỉnh sẽ quy hoạch bố trí ổn định cho hơn 8.000 hộ.

Nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An là khá lớn. Vì vậy,  trong quá trình thực hiện vừa cân đối ngân sách, vừa dựa vào điều kiện thực tế để chúng ta có kế hoạch và quyết định thực hiện hàng năm cho phù hợp.

Để thực hiện các dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, ngoài nguồn lực, đâu là những vấn đề đặt ra đối với tỉnh miền núi như Nghệ An?

Công tác bố trí dân cư là một vấn đề hết sức cần thiết nhưng cũng rất khó khăn. Như chúng ta đã biết, ngoài vấn đề cần nhiều nguồn lực để thực hiện bên cạnh đó cũng có rất nhiều khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện.

Nghệ An sẽ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai cho 8.000 hộ đến năm 2030- Ảnh 4.

Sau trận mưa kéo dài cuối tháng 9/2023, đất đã trên sườn núi đã sạt lở vào nhà các hộ dân ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khương Lực

Nghệ An sẽ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai cho 8.000 hộ đến năm 2030- Ảnh 5.

Từ 4 năm nay, hễ cứ mưa kéo dài là ngôi nhà chị Lò Thị Vơn ở bản Xiêng Hương, xã Xã Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An lại bị đất đá sạt lở, gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình và làm hư hại nhiều tài sản.Ảnh: Khương Lực

Nghệ An sẽ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai cho 8.000 hộ đến năm 2030- Ảnh 6.

Chị Lò Thị Vơn ở bản Xiêng Hương, xã Xã Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An dọn dẹp đồ đạc sau khi bị đất đã sạt lở vào, làm vỡ cửa, sập tường ở khu vực bếp của gia đình. Ảnh: Khương Lực

Thứ nhất, về công tác quy hoạch, bố trí đất để người dân đến các vùng tái định cư vừa đảm bảo chỗ ở an toàn trước thiên tai bão lũ lại vừa đảm bảo có đất để đảm bảo sản xuất, ổn định cuộc sống; trong lúc đó việc tìm kiếm mặt bằng để bố trí dân cư ở các huyện miền núi hết sức khó khăn. Quá trình thực hiện các dự án bố trí dân cư cũng mất nhiều thời gian vì nó liên quan tới tâm tư, nguyện vọng, tập quán, sinh hoạt của người dân khi mình đưa người ta đến một nơi ở mới thì phải đảm bảo phù hợp được nguyện vọng, tâm tư của người dân.

Thứ hai, phải phù hợp với quy hoạch để đảm bảo người dân đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, có đời sống, sản xuất ổn định lâu dài.

Thứ ba, quá trình xây dựng các dự án bố trí dân cư cũng gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến quản lý nhà nước của rất nhiều cấp, nhiều ngành như Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công thương…, vì vậy quá trình thực hiện thường mất nhiều thời gian.

Trong lúc yêu cầu thì phải khẩn trương, nhưng quy trình thực hiện của chúng ta hiện nay mất khá nhiều thời gian, dẫn đến gây khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện công tác bố trí ổn định dân cư.

Từ thực tế triển khai ở Nghệ An, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của địa phương trong đảm bảo đời sống, sớm ổn định cho người dân tại các dự án bố trí dân cư trong vùng thiên tai?

Có thể nói quá trình thực hiện bố trí dân cư khá khó khăn. Để đảm bảo thực hiện tốt chương trình bố trí dân cư, từ thực tiễn rút ra ở Nghệ An cho thấy:

Thứ nhất, phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để ưu tiên về nguồn lực thực hiện thì mới thành công được;

Thứ hai, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện công tác bố trí, ổn định dân cư;

Thứ ba là sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành cũng là một vấn đề hết sức quan trọng để chúng ta thực hiện thành công công tác bố trí dân cư.

Thứ tư, để giảm bớt chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần ưu tiên đẩy mạnh hình thức bố trí xen ghép và giảm bố trí dân cư tập trung.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem