Kỳ nghỉ đầu tiên của năm là kỳ nghỉ Tết dương lịch năm 2024 kéo dài từ ngày 30/12/2023 đến 1/1/2024, thứ bảy đến hết thứ hai tuần kế tiếp.
Bộ luật Lao động quy định dịp Tết Dương lịch nghỉ một ngày. 1/1/2024 là thứ hai, cộng với hai ngày cuối tuần, nên lao động được nghỉ ba ngày liên tiếp.
Sau Tết Dương lịch hơn một tháng, người lao động sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán. Thời điểm nghỉ chưa được chốt, nhưng dự kiến kỳ nghỉ dự kiến kéo dài 7 ngày. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án để lấy ý kiến các bộ ngành trước khi trình Chính phủ.
Phương án một nghỉ từ 29 tháng chạp Quý Mão đến hết mùng 5 tháng giêng Giáp Thìn (8/2-14/2/2024). Phương án còn lại nghỉ từ 30 tháng chạp Quý Mão đến hết mùng 6 tháng giêng Giáp Thìn (ngày 9/2 -15/2/2024). Các Bộ Nội vụ, Văn hóa Thể thao Du lịch đồng tình phương án một.
Việt Nam có 5 kỳ nghỉ lễ, Tết với 11 ngày chính thức trong năm. Nếu ngày lễ rơi vào cuối tuần, lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp nhằm thuận tiện nghỉ ngơi, về quê hoặc đi du lịch.
Người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm dịp này được hưởng lương ít nhất bằng 300%. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài lịch chung được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và một ngày Quốc khánh của nước họ.
Luật Lao động năm 2019 không quy định về việc thưởng ngày lễ, Tết (Tết Dương lịch, Tết âm lịch) cho lao động. Theo đó, Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 hiện hành quy định như sau:
Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, so với Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật Lao động 2019 hiện hành thay thế quy định về tiền thưởng bằng thưởng.
Do trên thực tế thì ngoài thưởng bằng tiền, người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng các tài sản có giá trị khác như xe ô tô, xe máy, vàng,…
Mặc dù không có quy định về tiền thưởng cho người lao động, nhưng thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp đều có chế độ thưởng, tiền thưởng cho người lao động.
Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng tiền thưởng có ý nghĩa không kém tiền lương. Tuy mức thưởng, nhiều hoặc ít tùy năng lực tài chính của doanh nghiệp nhưng nó có khả năng động viên, khích lệ người lao động tiếp tục cống hiến, tạo ra năng suất chất lượng vượt trội. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp xem chính sách thưởng như là một kênh để cạnh tranh, tuyển dụng, giữ chân nhân tài.
“Bởi vậy, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều có chính sách tiền lương, tiền thưởng. Tất nhiên, áp dụng chế độ thưởng thế nào thì còn tùy thuộc vào tình hình tài chính của doanh nghiệp”, ông Quảng nói.
Các báo cáo tiền lương, thưởng Tết vào dịp cuối năm của Bộ LĐTBXH cho thấy, thông thường dịp Tết dương lịch, lao động sẽ được thưởng từ 1-2 triệu đồng. Với những doanh nghiệp làm ăn tốt có thể được thưởng nửa tháng lương tới 1 tháng lương hoặc 2 tháng lương… tùy thuộc vào vị trí việc làm và tình hình tài chính trong năm.