Dân Việt

Nông dân ĐBSCL thi tài nuôi tôm giỏi, chia sẻ kiến thức hay

Tuấn Sâm 08/10/2023 11:43 GMT+7
Trải qua 3 vòng thi náo nhiệt và gay cấn, Ban tổ chức hội thi “Người nuôi tôm giỏi vùng đồng bằng sông Cửu Long” năm 2023 đã trao giải nhất cho tập thể đội Bạc Liêu.

Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) vừa phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thi "Người nuôi tôm giỏi vùng ĐBSCL năm 2023".

Sân chơi bổ ích cho người nuôi tôm

Hội thi có sự tham dự của 200 đại biểu, trong đó có 50 thí sinh là nông dân trực tiếp nuôi tôm, thành viên HTX/tổ hợp tác nuôi tôm đến từ 5 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh. Ban giám khảo hội thi là các chuyên gia đại diện Cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, Trường Đại học Bạc Liêu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu, Công ty TNHH Grobest Industrial (Việt Nam) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Ngoài ra, hội thi đón nhận sự tham dự cổ vũ của sinh viên Trường Đại học Bạc Liêu, Trường Cao đẳng kỹ thuật Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp, hiệp hội và người nuôi tôm địa phương.

Thi tài nuôi tôm giỏi, chia sẻ kiến thức hay  - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trưởng Ban tổ chức trao giải cho các đội.

img

"Hội thi góp phần truyền thông rộng rãi, tôn vinh những doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, những nông dân nuôi tôm giỏi, không chỉ nuôi tôm năng suất cao mà còn có chất lượng cao, đảm bảo vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Chúng ta phải chứng minh được thương hiệu tôm Việt Nam với thị trường quốc tế".

Ông Lê Quốc Thanh

Phát biểu tại hôm diễn ra khai mạc hội thi, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Hội thi "Người nuôi tôm giỏi vùng ĐBSCL" được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn trong nghề nuôi tôm; tuyên dương, động viên, khuyến khích nông dân tích cực tìm hiểu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm tốt để phát triển nghề nuôi tôm hiệu quả, bền vững.

Thông qua hội thi, Ban tổ chức mong muốn góp phần truyền thông rộng rãi, tôn vinh những doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, những nông dân sản xuất, nuôi tôm giỏi. 

Đây cũng là sân chơi mang đến nhiều cơ hội hợp tác cho người nuôi tôm, khuyến khích sự đồng hành của các doanh nghiệp, sự ủng hộ, thúc đẩy của các ban ngành địa phương để cùng bà con nông dân phát triển nuôi tôm không chỉ năng suất cao mà còn chất lượng cao, đảm bảo vấn đề môi trường và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, những năm gần đây, nghề nuôi tôm của cả nước nói chung và của tỉnh Bạc Liêu nói riêng ngày càng phát triển cả về sản lượng và chất lượng. Tuy nhiên do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, môi trường nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm, dẫn đến một số loại dịch bệnh thủy sản xảy ra và có chiều hướng gia tăng tại vùng ĐBSCL. Thêm vào đó, giá tôm thời gian qua lại không ổn định và liên tục giảm, khiến bà con nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn.

"Việc tổ chức hội thi đã tạo sân chơi bổ ích cho nông dân nuôi tôm vùng ĐBSCL được giao lưu, thảo luận, từ đó chia sẻ những bài học kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay, triển khai nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả nhằm phát triển sản xuất ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường" – ông Hiếu nói.

Chỉ ra hạn chế, nút thắt trong nghề nuôi tôm

Tham dự hội thi, các đội chơi trải qua 3 phần thi. Ở phần thi kiến thức cá nhân, mỗi thí sinh nhận một đề thi gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm và hình ảnh 10 mẫu vật. 

Phần thi "Màn chào hỏi" là cơ hội để giới thiệu đội tuyển cũng như khái quát điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương nói chung, những tiến bộ nổi bật trong nuôi tôm nói riêng, các mô hình khuyến nông nuôi tôm điển hình của địa phương thể hiện qua tiểu phẩm, kịch ngắn, hoạt cảnh, tấu hài, cải lương… 

Phần thi kiến thức đồng đội, trả lời câu hỏi tự luận và trắc nghiệm trực tiếp trên sân khấu gồm các nội dung về nuôi tôm theo quy trình, công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu; những chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương về ngành tôm.

Sau 2 ngày diễn ra, Ban tổ chức hội thi đã trao các giải cá nhân, giải tập thể cho các thí sinh và đội tuyển tham dự thi. Trong đó, giải Nhất tập thể thuộc về đội Bạc Liêu; giải Nhì được trao cho đội tuyển của tỉnh Sóc Trăng; giải Ba cho đội tuyển Cà Mau. Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, các đội thi còn được nhận phần thưởng bằng hiện vật là 1.940kg thức ăn Grobest, 500 lít chế phẩm sinh học Bồ Đề từ các nhà tài trợ.

Ông Lê Quốc Thanh đánh giá: Cách thức tổ chức và nội dung hội thi có nhiều đổi mới, các câu hỏi và phần thi gắn với thực tiễn nuôi tôm vùng ĐBSCL, thông tin về các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nuôi tôm nên tạo không khí rất sôi nổi, hấp dẫn. 

Đây được xem là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thủy, nêu ra hàng loạt các vấn đề, nút thắt trong nghề nuôi tôm để các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đối với sự phát triển ngành tôm trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu và cạnh tranh hàng hóa chất lượng cao.