Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bà Huỳnh Thị Ánh - Tổ trưởng Tổ chăn nuôi bò giống ngoại ở ấp 4 (xã Xuân Thới Sơn), cho biết từ năm 2015, việc nuôi bò sữa không còn hiệu quả, bà mạnh dạn chuyển nuôi bò thịt.
Những ngày đầu, gia đình bà chủ yếu vỗ béo bò ta, bò cỏ, rồi bán cho khách kiểu lấy công làm lời. Từ khi có các giống từ Úc, New Zealand, Hà Lan… nhập khẩu về, bà liên tục cập nhật quy trình chăn nuôi cải tiến.
Cụ thể, bà Ánh tăng cường lượng cỏ tự nhiên trong khẩu phần ăn, nhờ tận dụng đồng cỏ hơn 1.500m2 của gia đình. Đồng thời, bà cho phối các giống bò ngoại với bò ta, cho ra những lứa bò thịt chuẩn bò 3B, chất lượng thịt thơm ngon, đồng đều, bán rất được giá.
Năm 2020, thị trường tiêu thụ thịt bò trong nước tăng cao, bà Ánh tập hợp thêm các hộ khác thành lập tổ chăn nuôi bò giống ngoại.
Bà Ánh chia sẻ hình thức liên kết sản xuất rất cần thiết cho các nông hộ. Việc liên kết giúp các thành viên mở rộng vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ mua nguyên liệu đầu vào theo giá tốt nhất, được tập huấn quy trình chăn nuôi theo công nghệ mới.
Các thành viên trong tổ cũng được Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông tạo điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật; đi tham quan học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp sạch ở các tỉnh thành.
Đến nay, tổ chăn nuôi bò giống ngoại có 7 thành viên, tổng đàn gần 100 con; mỗi năm xuất chuồng khoảng 50 con bò thịt với giá bán 50-60 triệu đồng/con. Việc chăn nuôi bò con đến vỗ béo sau 2 năm giúp thành viên thu lời khoảng 8-10 triệu đồng/con.
"Quan trọng hơn là nông dân biết thay đổi tư duy, đẩy mạnh liên kết, hợp tác, đổi mới cách làm phù hợp xu thế nông nghiệp đô thị"- bà Ánh nói.
Trung tâm Khuyến nông TP.HCM thời gian qua đã triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại, nhằm cải thiện chất lượng, hình thành đàn bò giống ngoại có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng cho thị trường, trên nền tảng đàn bò hiện hữu của TP.HCM.
Mô hình hỗ trợ nông dân và các nông trại trên địa bàn thành phố được triển khai theo 2 giai đoạn: Giai đoạn cai sữa đến 18 tháng và vỗ béo từ 19-21 tháng. Hộ tham gia được ngân sách hỗ trợ 50% chi phí thức ăn. Nông dân tham gia còn được cán bộ kỹ thuật Khuyến nông tích cực tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật.
Kỹ sư Nguyễn Thị Doãn Ly- cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Hóc Môn, cho biết thời gian qua, Trạm đã hỗ trợ 7 hộ chăn nuôi bò tại xã Xuân Thới Sơn chuyển đổi từ chăn nuôi bò thịt kiểu truyền thống sang áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Theo quy trình này, bò từ cai sữa đến 18 tháng cho lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/con/tháng nuôi. Bò vỗ béo 19 - 21 tháng, sau 3 tháng nuôi lợi nhuận đạt hơn 100.000 đồng/con/tháng nuôi.
Kỹ sư Ly cho biết thêm, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc thực hiện Quyết định số 1589 về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025, theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của UBND TP.HCM.
"Việc áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, giúp bò nuôi tăng trọng nhanh, nâng cao chất lượng con giống bò thịt, cho hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao hơn"- kỹ sư Ly chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.