Dân Việt

Bán ra thị trường 180 vạn quả trứng, 7 vạn con vịt biển, một hợp tác xã của tỉnh Thái Bình thu 23 tỷ đồng

Mạnh Thắng 05/10/2023 13:34 GMT+7
Những năm gần đây, huyện Tiền Hải (Thái Bình) phát triển mô hình nuôi vịt biển, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Xuất phát từ nguyện vọng của người dân vùng biển Tiền Hải, năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Thái Bình hỗ trợ giống vịt biển 15 Đại Xuyên cho nông dân xã Đông Xuyên để chăn nuôi phát triển kinh tế. Đến nay, mô hình nuôi vịt biển đã giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Anh Trần Ngọc Trà, thôn Hải Long, xã Đông Xuyên chia sẻ: Ngay từ đầu tham gia mô hình nuôi vịt biển, chúng tôi đã được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật khi đưa giống vịt biển vào chăn nuôi. Quá trình nuôi cho thấy vịt biển dễ nuôi, so với một số giống vịt nuôi phổ biến tại địa phương có cùng độ tuổi thì giống vịt biển có khả năng tăng trọng nhanh hơn, kháng bệnh tốt hơn. 

Đến nay, nuôi vịt biển thương phẩm theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều bà con ở Đông Xuyên đã mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình. 

Bán ra thị trường 180 vạn quả trứng, 7 vạn con vịt biển, một hợp tác xã của tỉnh Thái Bình thu 23 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nuôi vịt biển an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Gia đình tôi duy trì nuôi 800 con vịt biển sinh sản. Chu kỳ nuôi vịt biển đến khi xuất bán khoảng 95 - 120 ngày, chi phí sản xuất hiện tại 200.000 đồng/con. Giá bán vịt thịt ra thị trường là 230.000 đồng/kg. Mỗi con vịt tôi lãi 30.000 đồng. 

Nhờ chọn con giống đạt tiêu chuẩn, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu tiêm chủng đầy đủ nên đàn vịt nuôi theo hướng an toàn sinh học của gia đình đều phát triển tốt, không bị dịch bệnh, nuôi mau lớn và có khả năng cho lợi nhuận cao hơn so với một số giống vịt ở địa phương.

Kết quả ở một số hộ nuôi vịt biển thương phẩm theo hướng an toàn sinh học ở huyện Tiền Hải cho thấy giống vịt biển thích nghi tốt trong điều kiện chăn nuôi ở địa phương, khả năng tăng trọng nhanh với môi trường nước mặn, nước lợ.

Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên cho biết, HTX có 58 thành viên; để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX luôn bảo đảm quy trình chăn nuôi an toàn, vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ. 

Trong quá trình chăn nuôi, đàn vịt biển luôn được chăm sóc theo đúng quy trình. HTX sử dụng thuốc thú y và thức ăn của các công ty uy tín, đặc biệt nước uống cho vịt được lên men vi sinh đạt tiêu chuẩn an toàn hiệu quả, do vậy đàn vịt biển phát triển tốt, ít bị bệnh, cho năng suất cao. 

Bán ra thị trường 180 vạn quả trứng, 7 vạn con vịt biển, một hợp tác xã của tỉnh Thái Bình thu 23 tỷ đồng - Ảnh 2.

Đóng gói sản phẩm trứng vịt biển Đông Xuyên.

Vịt biển cho thịt thơm ngon, nhiều nạc, lại chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên HTX tiếp tục cho nhập giống tăng đàn để tạo ra sản phẩm thịt vịt với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm tạo ra một sản phẩm riêng biệt không giống các địa phương khác để nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản phẩm vịt biển thịt của HTX được đánh giá phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAHP và các sản phẩm vịt biển thịt, trứng vịt biển Đông Xuyên được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. 

Theo thống kê của HTX, năm 2022 đơn vị đã đưa ra thị trường 180 vạn quả trứng và 7 vạn con vịt biển thương phẩm. Năm 2023 phấn đấu đưa sản phẩm trứng, vịt thịt ra thị trường, doanh thu đạt 23 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Mô hình nuôi vịt biển an toàn sinh học tại các hộ dân ven biển trên địa bàn huyện đã mở ra hướng sản xuất mới vừa tạo ra sự đa dạng giống vật nuôi trên địa bàn vừa tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi, tạo việc làm, sinh kế mới cho các hộ dân vùng ven biển, đồng thời cung ứng cho thị trường nguồn thực phẩm có chất lượng cao. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX và hộ dân phát triển sản xuất, đặc biệt liên kết với các hộ dân vùng ven biển cung cấp vật tư, con giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng vịt biển, trứng vịt biển theo tiêu chuẩn OCOP, khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường.