Gom ruộng của 40 hộ trồng loài hoa mọc dưới bùn, ông nông dân Thái Bình có thu nhập khá
Gom ruộng của 40 hộ trồng loài hoa mọc dưới bùn, ông nông dân Thái Bình có thu nhập khá
Thứ bảy, ngày 23/09/2023 19:45 PM (GMT+7)
Thấy ở quê có nhiều diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả bị bỏ hoang, ông Vũ Anh Tuấn, thôn Thọ Nam, xã Minh Phú (Đông Hưng, Thái Bình) đã mạnh dạn thuê lại ruộng của trên 40 hộ phát triển mô hình trồng sen, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa.
Trước khi triển khai mô hình trồng sen trên đồng đất Minh Phú (Đông Hưng, Thái Bình), ông Tuấn đã tìm đến những vùng chuyên trồng sen để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tìm hiểu thêm kiến thức trên internet, sách vở.
Đầu năm 2023, ông Tuấn bắt đầu đưa sen xuống đồng. Dù là cây dễ trồng, thích ứng cao với đồng đất địa phương, không mất quá nhiều thời gian chăm bón song để mang lại hiệu quả cao, hàng ngày ông Tuấn cũng phải bám ruộng, bám sen.
Ông Tuấn chia sẻ: Ban đầu, việc trồng sen ở khu đất trũng này gặp nhiều khó khăn, nhất là theo con nước vì ruộng các hộ để lâu năm rồi không cấy, tôi phải đầu tư đắp lại toàn bộ hệ thống bờ, mương máng xung quanh để điều tiết nước phù hợp cho sen sinh trưởng, phát triển.
Trên diện tích 8ha, ông Tuấn trồng nhiều loại sen khác nhau, trong đó có 4ha trồng sen lấy hạt, 3ha trồng sen lấy củ và 1ha sen lấy hoa. Sau hơn 3 tháng trồng, sen đã cho thu hoạch và duy trì khai thác ổn định đến nay. Thời gian thu hoạch sen khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, từ lúc đơm bông đến lúc sen tàn.
Cây sen không chỉ cho thu hoạch hoa, củ, hạt, ngó sen mà các thành phần khác của sen như lá sen, đài sen đã bóc hạt cũng được tận dụng để bán, để làm phân bón cho sen. Từ đầu vụ sen đến nay, gia đình ông Tuấn đã thu hoạch trên 2 tấn củ, gần 3 tấn hạt sen và hàng nghìn bông hoa sen. Thu hoạch tới đâu, gia đình ông tiêu thụ hết tới đó.
Ông Tuấn cho biết thêm: Thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ sen của gia đình từ các tỉnh, thành miền Bắc vào miền Trung. Vụ đầu thu hoạch dù chưa kết thúc song giá trị cũng gấp 3 - 4 lần cấy lúa. Không chỉ trực tiếp bán cho thương lái, ông Tuấn còn khai thác tối đa lợi thế từ mạng xã hội như facebook, zalo... để quảng bá, bán hàng. Hiện nay, giá hạt sen tươi tại ruộng là 47.000 - 48.000 đồng/kg, củ sen có giá khoảng 20.000 đồng/kg, hoa sen khoảng 3.000 đồng/bông.
Không chỉ tạo nguồn thu ổn định cho gia đình, mô hình trồng sen của ông Tuấn còn tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động địa phương với thu nhập khoảng 200.000 đồng/người/ngày, riêng những người thu củ sen thì cao hơn khoảng 350.000 - 400.000 đồng/người/ngày.
Ông Phạm Văn Thố, thôn Cao Phú, xã Minh Phú chia sẻ: Gia đình tôi có 4,5 sào ở vùng trũng này trước cấy lúa không hiệu quả và đã nhiều vụ không thể cấy được vì máy cày bừa không làm. Khi ông Tuấn muốn thuê lại trồng sen tôi đồng ý ngay. Vợ chồng tôi còn được ông Tuấn thuê bẻ đài sen để lấy hạt. Không chỉ có tiền từ cho thuê ruộng, tôi còn có tiền công làm 200.000 đồng/ngày, đỡ phải lo cấy hái với mất mùa.
Còn bà Nguyễn Thị Tuyền, xã Minh Phú cho biết: Tôi với các bà có tuổi trong xã hết mùa màng thì không có việc gì làm thêm, từ khi ông Tuấn trồng sen tôi được thuê vào làm, tôi đảm nhận hầu như tất cả các công đoạn từ trồng, chăm sóc, hái hoa, hái đài, nhặt hạt, rửa củ sen… Công việc nhẹ nhàng mà thu nhập cũng cao.
Thời gian tới, ông Tuấn dự định thuê thêm những diện tích cấy lúa kém hiệu quả bà con không cấy để mở rộng cánh đồng sen, đầu tư hạ tầng để phát triển mô hình sen kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ để tăng giá trị lợi nhuận trên một diện tích canh tác.
Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Mô hình tích tụ ruộng trồng sen của ông Tuấn là mô hình mới trên địa bàn huyện nhưng ngay vụ đầu đã khẳng định hiệu quả.
Trồng sen không phá vỡ mặt bằng lại là mô hình hữu cơ, sản phẩm từ sen tương đối tốt và an toàn; củ, hạt sen, ngó sen có giá trị dinh dưỡng cao. Huyện, xã cũng khuyến khích và tạo điều kiện để ông Tuấn mở rộng diện tích trồng sen, phát triển du lịch trải nghiệm ở nông thôn từ sen.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.