Dân Việt

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định: Quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo, địa bàn một huyện xảy ra ba vụ phá rừng

Dũ Tuấn 06/10/2023 11:33 GMT+7
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định thừa nhận, việc quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo, có sai phạm trong công tác quản lý, dẫn đến 3 vụ phá, khai thác rừng trái pháp luật trên cùng địa bàn huyện Phù Mỹ, mà Báo Dân Việt đã phản ánh.

"Khai thác rừng phòng hộ như thế là sai quy định"!

Sau khi Báo Dân Việt đã đăng tải loạt bài phản ánh 3 vụ phá, khai thác rừng phòng hộ trái phép tại huyện Phù Mỹ, Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, cá nhân ông cùng Sở NNPTNT, kiểm lâm, UBND huyện Phù Mỹ đã đi kiểm tra hiện trường vụ việc.

Theo ông Thanh, tại xã Mỹ Lộc diện tích rừng bị khai thác có nguồn gốc từ năm 2013-2015, khi đấy người dân thấy đất trống nên vào xâm chiếm, trồng keo...trên đất quy hoạch rừng phòng hộ. 

Năm 2016, tỉnh Bình Định tăng cường việc quản lý rừng phòng hộ, thì phát hiện khu vực này bị người dân xâm chiếm, trồng cây.

UBND xã Mỹ Lộc đã ra thông báo tìm người trồng để giải quyết nhưng không có ai đứng ra nhận. Sau đó, huyện Phù Mỹ chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền xã phá bỏ diện tích trồng trái phép này.

Một huyện xảy ra ba vụ phá rừng, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định: 'Quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo' - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh: 'Quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo'. Ảnh: Dũ Tuấn.

Hiện nay, chồi nứt lên thành rừng thì những hộ dân trồng trước kia, đã tự ý vào khai thác và bị phát hiện.

"Việc khai thác rừng phòng hộ như thế là sai quy định, tỉnh giao cho UBND huyện chỉ đạo kiểm lâm, công an, các cơ quan tư pháp vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo quy định", ông Tuấn Thanh nói.

Vẫn theo ông Tuấn Thanh, qua kiểm tra, diện tích rừng phòng hộ này chưa được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ. 

"Như vậy việc quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo. Huyện phải sớm hoàn thành hồ sơ gửi tỉnh, đề nghị giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ và giao khoán trực tiếp cho người dân chăm sóc, bảo vệ", ông Tuấn Thanh yêu cầu.

Một huyện xảy ra ba vụ phá rừng, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định: 'Quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo' - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng đánh dấu rừng phòng hộ bị cưa hạ trái phép tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ. Ảnh: Dũ Tuấn.

Sai đến đâu xử lý đến đấy, không bao che

Đối với vụ việc phá, khai thác trái phép tại tiểu khu 119, xã Mỹ Châu, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng trồng phòng hộ với ông Nguyễn Thái Học (ở xã Mỹ Châu) trên diện tích 4,92ha, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, khu vực này trước đây là rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý và giao khoán cho hộ dân để bảo vệ.

Trên thực địa là rừng thưa, hộ dân được giao khoán đã tự cắt và bán đi, nhưng theo quản lý rừng phòng hộ muốn khai thác phải xin ý kiến, có kế hoạch, hồ sơ, khai thác gỗ xong phải đấu giá… mới đúng quy định. 

Sau khi khai thác, hộ giao khoán đã trồng lại rừng, cây keo được 3 năm tuổi và sinh trưởng tốt, nếu xét về phòng hộ thì tốt hơn trước rất nhiều. 

"Tuy nhiên, đây là cái sai trong chuyện quản lý, chúng tôi đã chỉ đạo xác định thiệt hại và kiểm điểm trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ, chủ rừng giao khoán. Huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, đánh giá, để xử lý", ông Tuấn Thanh cho hay.

Một huyện xảy ra ba vụ phá rừng, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định: 'Quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo' - Ảnh 3.

Nhiều diện tích rừng tại xã Mỹ Lộc bị cưa hạ với vết cưa còn rất mới. Ảnh: Dũ Tuấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, quan điểm của tỉnh này là điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, cá nhân có liên quan, sai đến đâu xử lý đến đấy, không bao che.

Trước đó, Báo Dân Việt đã đăng tải loạt bài phản ánh 3 vụ phá, khai thác rừng phòng hộ trái phép tại huyện Phù Mỹ, Bình Định.

2 vụ việc xảy ra tại khoảnh 3, tiểu khu 119, xã Mỹ Châu, thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ đã được giao khoán cho 2 hộ dân chăm sóc, với nhiều hecta rừng trồng phòng hộ đầu nguồn bị khai thác trái phép trong thời gian dài. 

Thậm chí, có vụ phá rừng từ nhiều năm trước nhưng đến nay mới bị "phanh phui"… do kiểm lâm địa bàn bị tố cáo.

Ngoài ra, tại tiểu khu 131, xã Mỹ Lộc có gần 5.000m2 rừng, với nhiều gốc cây có kích thước lớn bị cưa hạ, khai thác trắng. Đây là khu vực rừng tái sinh đã được UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Mỹ, chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác theo quy chế rừng phòng hộ, nhưng hiện nay vẫn chưa được giao về cho Ban quản lý.

Một kiểm lâm bị phê bình sau đơn tố cáo của người dân

Ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Trần Ngọc Hưng – Kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm huyện Phù Mỹ, phụ trách địa bàn xã Mỹ Châu.

Ông Hưng bị kiểm điểm phê bình nghiêm khắc và sẽ chịu hình thức kỷ luật tương xứng theo kết luận điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Theo ông Phúc, trong quá trình xác minh đơn của công dân, bước đầu Chi cục kiểm lâm đã xác định ông Trần Ngọc Hưng là Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Mỹ Châu.

Trước đó, báo Dân Việt đã phản ánh, tại địa bàn do ông Hưng phụ trách, ông Nguyễn Thái Học khai thác trắng, phát dọn thực bì và trồng lại rừng phòng hộ trên diện tích 4,92ha, nhưng ông Hưng không phát hiện để báo cáo UBND xã Mỹ Châu và Hạt Kiểm lâm Phù Mỹ xử lý, là chưa làm hết trách nhiệm được giao.

Vụ việc này khá hi hữu, bởi tình trạng khai thác rừng trái phép được xác định xảy ra từ năm 2020 và đến nay đã trồng rừng (nhiều diện tích cao hơn 5m), nhưng đến năm 2023 mới được "phanh phui", điều tra… xuất phát từ việc kiểm lâm Trần Ngọc Hưng bị người dân gửi đơn tố cáo.