Dân Việt

Khó khăn đa tầng, "thập kỷ mất mát" đang thách thức Việt Nam phát triển bền vững

An Linh 06/10/2023 19:07 GMT+7
Theo ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, thế giới đang chứng kiến những khó khăn kép, thách thức đa tầng hay như WB khái lược "thập kỷ mất mát"… đã và đang thách thức Việt Nam trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Kinh tế số là "chìa khoá" cho các nước đang phát triển

Chiều 6/10/2023 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung uơng, phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023 (Vietnam New Economy Forum 2023) với chủ đề "Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững".

Tại đây, nhiều học giả, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế số đã chia sẻ nhưng quan điểm, góc nhìn về phát triển bền vững, xanh và kinh tế số của Việt Nam.

Khó khăn đa tầng, "thập kỷ mất mát" đang thách thức Việt Nam phát triển bền vững - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: NT)

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khẳng định phát triển bền vững vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu xuyên suốt, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện thế giới đang đối diện với những khó khăn, thách thức đa tầng, từ vấn đề lạm phát, gia tăng nợ công, xung đột vũ trang Nga - Ukraine đến cạnh tranh địa chính trị và những bất ổn từ thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu... Tất cả đưa đến nguy cơ suy thoái kinh tế, thậm chí khủng hoảng; Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo về những thách thức làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đến một "thập kỷ mất mát" khiến nghèo đói nhiều hơn.

"Những vấn đề này càng chồng chất thêm các khó khăn, thách thức cho các quốc gia trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững", ông Trung bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận, tiềm năng to lớn từ các mô hình kinh tế mới đem lại cho các quốc gia, khu vực trên thế giới. Đơn cử, tại Mỹ kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm; các nước OECD, con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP, tương đương 2,9 nghìn tỷ USD/năm.

Đối với Việt Nam, theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á" năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định, các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, cần ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện thành công các mô hình kinh tế mới.

Bên cạnh đó, đích đến của các mô hình kinh tế mới tựu chung đều do con người và vì con người, lấy con người là trung tâm nên khi triển khai các mô hình kinh tế mới cần đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng. Do vậy, cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.

Đặc biệt, việc triển khai các mô hình kinh tế mới luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, theo ông Trung cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc tiếp cận, chuyển giao các mô hình, công nghệ mới có tính dẫn dắt và là xu thế của thời đại.

Tại Diễn đàn, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và kinh tế dữ liệu là những vấn đề mà Việt Nam đang rất quan tâm nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.

Khó khăn đa tầng, "thập kỷ mất mát" đang thách thức Việt Nam phát triển bền vững - Ảnh 2.

TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ông Hiển cho rằng, Chính phủ đã và đang đề cập nhiều nội dung trong hàng loạt văn bản, nghị quyết, chính sách quan trọng của Việt Nam. Đơn cử, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 - 2030) Việt Nam đã xác định quan điểm là phải đổi mới tư duy hành động, chủ động và nắm bắt kịp thời hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để gắn với quá trình hồi nhập quốc tế. Qua đó, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng cạnh tranh của Việt Nam.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Tháng 9/2019, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã được ban hành, tại đây, kinh tế số được xác định là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, chính phủ điện tử.

Nhưng thực tế, theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, báo cáo nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, kinh tế số Việt Nam trong năm 2022 ước khoảng 14,26% trong tổng GDP, mục tiêu nền kinh tế số đạt 30% trong tổng GDP của Việt Nam vào năm 2030 là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

"Việc phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu lớn, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi Việt Nam phải chuyển dịch nhiều ngành kinh tế", ông Hiển nhấn mạnh.

Theo TS Hiển, hiện nay Việt Nam đã có nhiều định hướng chủ trương trong các ngành kinh tế nhưng vấn đề nhìn nhận tổng thể để gắn kết, đồng bộ vẫn chưa thực sự tiếp cận thực tế. Vì vậy, hàng loạt giải pháp được Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra, như việc phải gắn kết các kế hoạch, chủ trương về các nên kinh tế mới một cách đồng bộ. Đưa ra những lộ trình thực hiện cụ thể để tránh việc chồng chéo về chính sách, bám sát với thực tiễn nền kinh tế.

"Các chính sách tại nhiều lĩnh vực mặc dù đã được ban hành nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của doanh nghiệp, để thúc phát triển kinh tế các yêu cầu về thể chế vẫn là vấn đề cần hoàn thiện", ông Hiển nói.

Liên quan đến kinh tế mới là vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ chi từ ngân sách cho nghiên cứu phát triển phải đạt mức bình quân của 3 nước đứng đầu ASEAN. Tuy nhiên đến năm 2019, khoa học công nghệ nước ta chỉ đạt 0,53% trong tổng GDP. Vì vậy, việc đầu tư ngân sách và cơ chế để thúc đẩy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ.

"Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực trong các ngành liên quan đến phát triển kinh tế mới", Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.