"Khối u nào đang lớn dần trong mạch máu của nền kinh tế khiến dòng vốn bị tắc nghẽn?"
"Khối u nào đang lớn dần trong mạch máu của nền kinh tế khiến dòng vốn bị tắc nghẽn?"
O.L
Thứ ba, ngày 19/09/2023 13:15 PM (GMT+7)
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, thực tế có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, mặt khác có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 được tổ chức vào ngày 19/9 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được giao chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế trao đổi thảo luận, làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam...
Dòng vốn bị tắc nghẽn vì đâu?
Câu hỏi trên nằm trong phần tham luận với tựa Tháo gỡ rào cản tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam" của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNVVN).
Ông Thân cho biết, hiện phần lớn trong số những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đã kiệt quệ về tài chính, không còn tài sản thế chấp, trong khi đó hệ thống ngân hàng cũng gặp khó khăn khi dư thừa nguồn lực nhưng không thể cho vay. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho các nhà quản lý rằng: "khối u nào đang lớn dần trong mạch máu của nền kinh tế khiến dòng vốn bị tắc nghẽn?"
Lý giải về "tồn kho" vốn tín dụng, ông Thân cho rằng nguyên nhân chính ở 3 khía cạnh:
Thứ nhất, tình hình kinh tế chưa hẳn phục hồi khi chính trị thế giới (giữa Nga – Ukraine) còn phức tạp, làm ảnh hưởng nguồn cung, đơn hàng và giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu. Ở trong nước, cầu đầu tư chưa có tiến triển tích cực do các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản và trái phiếu vẫn "tê cứng"; song song với đó là nhiều dự án có sức lan tỏa cao cũng chưa được triển khai, kể cả những dự án đầu tư công, bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội mặc dù NHNN đã tạo điều kiện về tín dụng, dẫn đến cầu tiêu thụ và cầu tín dụng không thể tăng cao.
Thực trạng cho thấy có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, mặt khác có nhiều doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay. "Vậy, phải chăng việc khai thông nguồn vốn tín dụng không chỉ hướng tới các đối tượng có nhu cầu vay mà phải hướng tới cả các đối tượng có tiền mang đi gửi ngân hàng do chưa biết phải đầu tư vào đâu. Nói một cách khác là làm sao để họ rút tiền gửi và lưu thông vào thị trường", ông Thân nói.
Thứ hai, dường như "khẩu vị" rủi ro của các NHTM đang có sự thay đổi. Tính đến cuối tháng 6/2023, các NHTM đã cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Đây là con số không hề nhỏ nhưng thực tế tình hình cho vay 3 tháng gần đây lại có xu hướng khó khăn hơn.
Thứ ba, thực trạng yếu kém trong công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh từ phía DNNVV là không thể phủ nhận, thậm chí là chậm tiến bộ.
Đây là một trong ba mấu chốt (cộng với hai mấu chốt nêu trên) khiến cho các NHTM và DNNVV chưa thể xây dựng lòng tin với nhau để từ đó tăng cường hoạt động cho vay tín chấp. Về bản chất, các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên khi cảm thấy yên tâm về sức khỏe của người đi vay thì họ chắc chắn sẽ không từ chối.
Ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng cho rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là phải đối diện những rào cản về mặt quy trình, thủ tục khác nhau khi vay vốn.
Trong đó, điển hình nhất là doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi, và thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà với các doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn ngoài việc tiếp cận vốn khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam còn có những rào cản khác như: Chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; Chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; Chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; Các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả và Doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới...
Tháo nút thắt?
Theo ông Thân, Nhà nước nên tập trung tháo gỡ những nút thắt "nóng", có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Chẳng hạn như thúc đẩy lĩnh vực đầu tư công và bất động sản, đây là những khu vực có khả năng lan tỏa cao và trước mắt cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội.
Nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp "thích thú với nhà ở xã hội", tạo điều kiện cho DNNVV được tham gia ít nhất 30% vào các dự án đầu tư công để từ đó huy động được đa dạng nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về các tổ chức tín dụng và quyết tâm loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sân sau trong hoạt động ngân hàng để lành mạnh hóa thị trường vốn tín dụng.
Về phía Ngân hàng cần sớm trình dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 35 (năm 2016), Nghị quyết 58 (năm 2023) của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN, DN tư nhân, nghiên cứu mở rộng các chương trình cho vay đối với DNNVV; chủ động, thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả hoạt động cho vay ở các địa phương; cương quyết xử lý các trường hợp cán bộ gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Xem xét giảm các điều kiện cho vay; đồng thời làm việc với các Quỹ Bảo lãnh tín dụng nghiên cứu, sửa đổi cơ chế phối hợp trong bảo lãnh cho vay theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục chồng lấn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
Tiếp tục nghiên cứu hạ lãi suất trên cơ sở ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và giữ ổn định tỷ giá.
"Với các doanh nghiệp, cần chủ động tìm kiếm bạn hàng và các cơ hội làm ăn kinh doanh mới; đồng thời nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính để làm cơ sở cho các NHTM xem xét cho vay", ông Thân nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.