Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần II đang đi vào thời điểm quan trọng nhất. Ban giám khảo của cuộc thi làm việc tích cực, "cân đo, đong đếm" để lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất để vinh danh trong buổi lễ trao giải. Các tác giả, người đã gửi bài viết về tham dự cuộc thi thì hồi hộp, mong đợi từ ngày gửi bài về tòa soạn Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt.
Những ký ức gói ghém trong tâm khảm
Tác giả Lê Hồng Quang (Hà Nội), chủ nhân của tác phẩm "Phiếu bé ngoan – một thời và mãi mãi" chia sẻ:
"Tôi biết đến cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" sau một lần tôi đăng một bức ảnh lên mạng xã hội. Ngay sau đó tôi nhận được phản hồi của nhiều người động viên tham gia cuộc thi Ký ức Hà Nội, cuộc thi đó phù hợp với những ký ức của tôi".
Lục lại những ký ức gắn liền với Hà Nội đã "ngủ quên" suốt bao nhiêu năm qua, anh Quang nhận thấy một trong những ký ức mình cần phải viết ra thành một tác phẩm để chia sẻ với mọi người, đồng thời tham gia cuộc thi đó chính là câu chuyện về phiếu bé ngoan.
"Sau khi hoàn thiện bài viết và gửi đi dự thi, một thời gian sau, bài viết của tôi được đăng tải và từ phản hồi của độc giả, bạn bè, người thân, tôi nhận ra một điều đó là phiếu bé ngoan của tôi cũng giống phiếu bé ngoan của những người đồng trang lứa, ký ức của tôi cũng là ký ức của nhiều người khác", anh Quang cho biết.
"Tôi nhớ ngày còn là học sinh mẫu giáo Trường mầm non A phố Thợ Nhuộm. Một lần bố tôi đón tôi đi học về và xe bị xịt lốp, khi dừng lại bố hỏi tôi, phiếu bé ngoan của tôi đâu rồi. Tôi ngơ ngác không thấy đâu, hóa ra, lúc ngồi trên xe tôi ngủ gật và làm rơi ở đâu đó.
Sau rồi hai bố con quay lại tìm nhưng không thấy. Sau này, gia đình làm cho tôi một cuốn sổ khác để dán phiếu bé ngoan vào đó. Buổi học cuối cùng khi chia tay lớp mẫu giáo để lên lớp vỡ lòng, tôi được cô giáo tặng cho phiếu Bé ngoan Bác Hồ, tôi vui lắm. Tối đó gia đình tôi mở một hộp sữa đặc rồi ăn với bánh mì để liên hoan mừng cho tôi được tặng phiếu Bé ngoan Bác Hồ. Ngày trước khó khăn, liên hoan chỉ vậy thôi", anh Quang bùi ngùi kể lại.
Hồi hộp, mong đợi từ ngày gửi bài dự thi
Trong khi đó, bạn Lê Thị Thương Huyền (sinh viên Trường đại học Thương Mại) cho biết, bản thân đến với Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt là một sự tình cờ.
"Trong một lần tôi đang lướt lên mạng thì thấy một bạn đăng tải thông tin là có một Cuộc thi viết về "Ký ức Hà Nội" lần II, lúc đó tôi không ngần ngại gì và đã viết bài gửi bài dự thi. Tôi nghĩ rằng đó là một trải nghiệm rất tốt để tôi có cơ hội chia sẻ một kỷ niệm đẹp về Hà Nội cũng như con người của Hà Nội", Thương Huyền nhớ lại.
Ký ức về Hà Nội, con người Hà Nội đến với Thương Huyền sau một lần bị tai nạn giao thông và những gì cô nhận được từ Hà Nội, con người Hà Nội khiến cô nhớ cho tới tận bây giờ và mãi mãi về sau.
"Khi tôi là sinh viên năm thứ nhất, ở một địa phương khác tới Hà Nội, tất cả đều lạ lẫm. Nhất là về đường phố, trong một lần đi học tôi bị tai nạn giao thông, ngày hôm đó trời mưa khá là to. Sau khi tôi ngã, rất đông người dân đang tham gia giao thông đã dừng lại để nâng tôi dậy. Trong lúc đau đớn vì bị thương, tôi vẫn cảm thấy vô cùng ấm áp, không hiểu sao mọi người lại có thể thân thiện đến vậy. Mặc dù không quen biết nhưng mọi người vẫn bao dung, giúp đỡ tôi", Thương Huyền kể.
Để hoàn thành tác phẩm dự thi, Thương Huyền cho biết, cô không mất quá nhiều thời gian bởi đó là những dòng cảm xúc được khắc ghi trong tâm khảm một cách hoàn toàn tự nhiên. "Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần II đã cho tôi một cơ hội để bày tỏ lòng cảm ơn tới Hà Nội, con người Hà Nội gần gũi và thân thiện", Thương Huyền nói.
Tác giả Nguyễn Thanh Nga (Việt Hùng - thị xã Quế Võ - tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: "Tôi rất hồi hộp sau khi gửi bài dự thi. Khoảng thời gian từ lúc gửi bài dự thi đến khi bài viết được đăng tải khoảng gần một tháng. Sau khi thấy bài đăng tôi cảm thấy thật sự háo hức và hạnh phúc. Tôi đã chia sẻ được ký ức của mình tới tất cả mọi người trong câu chuyện Miền ký ức nơi sân ga, góc chợ".
Là một giáo viên miền núi tỉnh Sơn La, cô giáo Phạm Thị Yến cho biết, hàng ngày lên lớp cô vẫn giảng giải cho các em học sinh về một số di tích lịch sử ở Thủ đô Hà Nội như cầu Long Biên, Hoàng Thành Thăng Long. Sau mỗi bài giảng, các em học sinh đều bày tỏ mong ước có một ngày sẽ được về Thủ đô để tận mắt chứng kiến những di tích lịch sử như cô đã giảng trên lớp.
"Tôi là một độc giả của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt nhiều năm rồi. Sau khi biết báo tổ chức cuộc thi tôi đã viết lại những cảm xúc, ký ức đọng lại trong mình mỗi lần được về Thủ đô yêu dấu. Sau khi gửi bài và bài được đăng tải là một quãng thời gian tôi sống trong sự chờ đợi, háo hức. Khi thấy bài viết của mình được đăng tải trên báo, tôi thực sự rất vui, rất nhiều bạn bè đồng nghiệp đã chúc mừng", cô giáo Yến chia sẻ.
Nhà báo Lưu Quang Định – TBT Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần II cho biết: "Cuộc thi năm nay, quy mô được mở rộng hơn, các đề tài phong phú hơn, số lượng bài thi gửi về gấp đôi so với cuộc thi năm ngoái. Sau hơn 4 tháng phát động Cuộc thi viết "Ký ức Hà Nội" lần II, chúng tôi đã nhận được hơn 1.000 bài viết của độc giả gửi về tham dự. Trong số đó, hàng trăm tác phẩm chất lượng đã được đăng tải trên chuyên mục Hà Nội Hôm nay/Báo Điện tử Dân Việt".