Những nhu cầu cấp bách để phát triển Thủ đô Hà Nội sau 69 năm giải phóng
Nguyễn Bình
Thứ ba, ngày 10/10/2023 09:17 AM (GMT+7)
Hiện nay, TP.Hà Nội được đánh giá đang quá tải về hạ tầng giao thông, nhu cầu hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đầu tư nhanh các cây cầu vượt sông, các tuyến đường sắt rất lớn và cấp bách.
Ngày 10/10/1954, Hà Nội đón đoàn quân chiến thắng trở về, mở ra thời kỳ mới trong trang sử hơn 1000 năm. Thủ đô bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển mạnh mẽ.
Sau 69 năm, từ một đô thị 43,7 vạn dân tiêu điều sau chiến tranh, Hà Nội đã tăng quy mô dân số lên 10 triệu người.
Thành phố có 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400km2, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về dân số và quy mô GRDP, xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người. Hà Nội hiện đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.
Từ 2020 đến nay, cùng với cả nước, Hà Nội chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 và những biến động mạnh của tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới.
Thành phố vẫn đạt được tăng trưởng bình quân 2 năm 2021-2022 gấp 1,13 lần, riêng năm 2022 GRDP tăng trưởng 8,89%; 9 tháng đầu năm 2023, trong khi nhiều địa phương tăng trưởng sụt giảm mạnh, GRDP TP vẫn tăng 6,08%. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm...).
Nhiều công trình lớn, quan trọng đã được hoàn thành và khởi công xây dựng như: vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường Vành đai 2 trên cao; khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, chuẩn bị cho vận hành tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội…
Đặc biệt, "siêu dự án" – tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã chính thức được 3 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên triển khai với sự cam kết mạnh mẽ để cơ bản hoàn thành xây dựng đường vào năm 2026, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027.
Từ đó góp phần tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Hà Nội đã hoàn thành các hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2023 với 3 nội dung quan trọng, gồm: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đây là 3 nội dung có quan hệ mật thiết với nhau, khi ban hành sẽ đồng thời cởi nút thắt về cơ chế và quy hoạch cho Hà Nội.
Những quyết sách sáng tạo để giải quyết nhu cầu cấp bách
Trong bài viết nhân dịp Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá: "Điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội. Thành phố đang quá tải về hạ tầng giao thông, nhu cầu hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đầu tư nhanh chóng các cây cầu vượt sông, các tuyến đường sắt rất lớn và cấp bách.
Nhưng nếu thực hiện như cơ chế hiện hành thì phải rất lâu mới có thể hoàn thành, vừa gây lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời cơ, cơ hội phát triển".
Cùng với đó, thành phố tiếp tục phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị; đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường sắt đô thị; dự án nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…
Trao đổi với Dân Việt, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá việc Hà Nội lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô “là quyết sách rất sáng tạo của Thành ủy, UBND TP”.
Việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tác động tích cực đến mô hình chùm đô thị, quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa, khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật liên kết vùng.
"Thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng Vành đai 4, tiến tới đầu tư Vành đai 5 chính là lối thoát chiến lược.Dự án khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, tăng khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Đồng thời, giúp Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... tạo điều kiện để Thủ đô và các địa phương đẩy mạnh phát triển cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư mạnh mẽ", KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Về kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đánh giá, phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội là tương đối mạnh mẽ. Đặc biệt, trong 4 năm trở lại đây, hồi phục, tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid-19, Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 đóng góp GDP của cả nước.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội vẫn tiếp tục được giữ vững và trở thành trung tâm phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt ứng dụng công nghệ số ở top đầu của cả nước.
Hà Nội cũng là nơi tạo động lực cho phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn của cả nước.
"Do đó, có rất nhiều kỳ vọng cho phát triển kinh tế của Thủ đô cũng như đóng góp của Hà Nội cho phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Để góp phần duy trì và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Luật Thủ đô phải tạo ra được sự khác biệt, phù hợp với vai trò đầu tàu về kinh tế chính trị xã hội của Thủ đô. Muốn vậy, cần có cơ chế riêng và đặc thù để tạo ra nguồn lực tài chính, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, nhân lực, khoa học và liên kết vùng với các tỉnh khác, tạo ra sự phát triển kinh tế xã hội trong trương lai.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chỉ khi có cơ chế đặc thù mới tạo ra được nguồn lực về kinh tế và đội ngũ nhân lực chất lượng cao, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa. Qua đó, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, đồng thời lan toả và kết nối với các tỉnh thành khác của cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.