Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 10 - 13 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 11,6 - 12,5 độ vĩ bắc; 113,6 - 114,6 độ kinh đông.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, trong 24 giờ tới vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vùng áp thấp ở khu vực giữa Biển Đông đang có xu hướng dịch chuyển từ Đông sang Tây, hướng về đất liền Trung Bộ.
Trong những ngày tới, vùng áp thấp có thể mạnh thêm ở mức xấp xỉ áp thấp nhiệt đới hoặc áp thấp nhiệt đới, gây ra tình trạng gió giật mạnh ở các vùng ven biển, khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Bình Định. Khoảng ngày 16-17/10, vùng áp thấp sẽ di chuyển vào đất liền gây ra mưa cho miền Trung.
"Tương tác không khí lạnh có dải hội tụ nhiệt đới trên đó có vùng áp thấp, cộng thêm đới gió Đông sẽ tiếp tục gây mưa lớn ở miền Trung. Mưa lớn ở khu vực này trong thời gian tới có sự thay đổi về vùng tâm mưa", ông Hưởng nhận định.
Cụ thể, theo ông Hưởng ngày 15/10, mưa lớn vẫn tập trung từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Nam, có xu hướng mở rộng xuống Bình Định, phía bắc tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Giai đoạn 16-17/10, vùng áp thấp dịch chuyển vào trong đất liền, thêm thành phần gió Đông Nam mạnh gây ra mưa sâu khu vực này.
Cơ quan khí tượng nhận định, mưa khả năng còn ngược lên phía Bắc trong những ngày 16-18/10.
Ngày và đêm 15/10, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa), khu vực giữa và Nam Biển Đông có mưa rào và dông mạnh; vùng biển phía Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Ngoài ra, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng cao từ 2-3m. Từ gần sáng ngày 16/10, ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng cao từ 1,5-2,5m.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trên đất liền, sáng sớm 15/10, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính đến 8 giờ sáng 15/10 có nơi trên 170mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 190,6mm, Hòa Sơn (Đà Nẵng) 269,6mm, Bình Phú (Quảng Nam) 195mm…
Các khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và các nơi khác ở Nam Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; lượng mưa tính đến 7 giờ sáng 15/10 có nơi trên 100mm như: Tân Bình (Ninh Thuận) 112,3mm, Đạo Nghĩa (Đắk Nông) 111,4mm, Bù Đăng (Bình Phước) 154,6mm, Thới Lai (Cần Thơ) 142,6mm, Ba Tri (Bến Tra) 112,2mm…
Từ ngày 15/10 đến ngày 17/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm; riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 250-450mm, có nơi trên 800mm; ở khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Ngoài ra, trong ngày và đêm 15/10 ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 30-50mm, có nơi trên 80mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và đêm). Từ gày 17-18/10, mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc; khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa lớn 100-200mm, có nơi trên 400mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cấp 4; Quảng Nam cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cấp 2; Hà Tĩnh, Bình Định cấp 1.
Người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Do mưa lớn kéo dài, nên từ 15-18/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-7m, hạ lưu từ 1-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi lên mức báo động 1- báo động 2, có sông trên mức báo động 2; các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam lên mức báo động 2- báo động 3. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2,3.
Lũ trên các sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, để chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.
Các tỉnh, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp và mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.