Dân Việt

Một nơi ở An Giang, nông dân trồng nhãn kiểu gì mà cây thấp tè đã ra trái quá trời, bẻ là bán được hết

Mỹ Linh 16/10/2023 05:11 GMT+7
Khoảng đầu tháng 5 (âm lịch), lưu thông dọc tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua địa bàn xã Mỹ Phú, Mỹ Đức (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) dễ bắt gặp những gian hàng đầy ắp nhãn bày bán ven đường, báo hiệu mùa nhãn xuồng Khánh Hòa bắt đầu.

Những chùm nhãn Khánh Hòa tươi rói, ngọt, thơm đã được đến tay thực khách.

Dừng tại một gian hàng nhỏ bên lề Quốc lộ 91, bà Loan (chủ gian hàng) đon đả mời: “Mua nhãn đi cô, nhãn xuồng Khánh Hòa ngon lắm!”. Qua lời của bà Loan tôi được biết, những người bán nhãn ở khu vực này đều mua nhãn từ các nhà vườn ở xã Khánh Hòa, bán lại cho người đi đường.

Bà Loan nói: “Mỗi ngày tôi chỉ cần gọi điện cho chủ vườn, báo số lượng nhãn cần mua là họ hái trái mang ra tận nơi cho mình. Giá nhãn tôi bán hiện giờ chỉ 35.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại, thấp hơn mọi năm khoảng 20.000 đồng, nên khách mua nhiều lắm, gặp khách đi thành đoàn thì nhãn không đủ bán. Lúc trước còn phải cho khách dùng thử nhãn, bây giờ chỉ cần giới thiệu nhãn xuồng Khánh Hòa, là họ không cần thử, mà mua luôn vài ký”.

Có thể nói xã Khánh Hòa có diện tích trồng nhãn lớn nhất của huyện Châu Phú, với hơn 140ha. Nhiều năm qua, giống nhãn xuồng Khánh Hòa trở thành cái tên quen thuộc vì nhãn trồng tại vùng đất này có vị ngon đặc trưng, cơm dày, ráo, hạt nhỏ. 

Những nhà vườn trồng nhãn tại xã Khánh Hòa có người mới bắt tay vào nghề vài năm gần đây, có người hơn 10 năm gắn bó với cây nhãn, nhưng họ đều có chung nhận định, so với các loại cây khác thì trồng nhãn ít tốn công chăm sóc.

Một nơi ở An Giang, nông dân trồng nhãn kiểu gì mà cây thấp tè đã ra trái quá trời, bẻ là bán được hết - Ảnh 1.

Những cây nhãn vườn nhà ông Trần Trí Lưu, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho trái trĩu cành.


Việc chăm bón, tưới nước cho nhãn chủ yếu tập trung vào thời điểm nắng nóng trong năm. Đến khi cây nhãn trổ hoa chỉ cần xịt sâu, bón thúc cho cây bằng phân lân, phân chuồng để cây có sức nuôi hoa, nuôi trái là được. 

Thông thường, nhãn trồng khoảng 1 năm bắt đầu cho trái, nhưng để dưỡng sức cho cây phát triển, nhà vườn không giữ đợt trái này, mà chờ đến năm thứ 2, thứ 3 mới dưỡng trái để thu hoạch đợt đầu tiên.

Đến thăm vườn nhãn của ông Trần Trí Lưu (ấp Khánh Hòa, xã Khánh Hòa), tôi được trải nghiệm, quan sát các bước chăm sóc cây và thu hoạch nhãn. 

Đây là một trong những vườn nhãn có diện tích lớn của xã, với khoảng 2ha. Những cây nhãn tại vườn của ông Lưu dù đã trên 10 năm tuổi, nhưng được cắt cành tạo tán tròn nên ở những cành thấp trái nhãn ra thành chùm, sà xuống tận mặt đất, ở những cành cao chỉ cần với tay là hái được trái. 

Trong vườn có bố trí hệ thống tưới nước tự động nằm xen các hàng nhãn, giúp chủ vườn giảm công chăm sóc

Ông Lưu cho biết: “Hàng năm, khoảng thời gian vừa qua Tết Nguyên đán, tôi bắt đầu “lên nước” cho khu vườn, chăm sóc cây khỏe mạnh, đến khoảng tháng 4 (âm lịch) cây trổ hoa và thu hoạch rộ vào khoảng tháng 6 (âm lịch). So với các loại cây khác, phân, thuốc dùng cho cây nhãn ít hơn rất nhiều. Thông thường, tôi chỉ phun 2 cữ thuốc và bón 2-3 cữ phân để kích thích cây ra hoa. Khi cây đậu trái đến khi thu hoạch không cần bón phân, phun thuốc”.

Một nơi ở An Giang, nông dân trồng nhãn kiểu gì mà cây thấp tè đã ra trái quá trời, bẻ là bán được hết - Ảnh 2.

Mỗi cây nhãn trưởng thành ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) cho trái từ vài chục đến hơn 100kg mỗi vụ, đối với cây được chăm sóc, phát triển tốt có thể cho trái nhiều hơn. 

Những năm trước đây, nhãn xuồng xã Khánh Hòa luôn bán giá cao ở đầu vụ, khi vào giai đoạn rộ, giá thương lái thu mua có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đầu vụ năm nay, thương lái thu mua nhãn tại vườn với giá 50.000 đồng/kg, tuy nhiên đến thời điểm này giá mua tại vườn giảm sâu. 

Đối với người có kinh nghiệm canh tác nhãn lâu năm, họ thường điều chỉnh thời điểm, cách thức “lên nước”, bón phân, phun thuốc sao cho vườn nhãn ra hoa, kết trái sớm hơn lịch chính vụ của cây nhãn để bán được giá cao hơn.

“Mỗi ngày, thương lái sẽ gọi điện báo số lượng nhãn cần mua, mình hái nhãn vào buổi sáng, rồi cân đủ số lượng, thương lái sẽ tự đến mang đi phân phối ở các chợ, bán lẻ hoặc mang bán ở Campuchia. Nhờ chi phí đầu tư cho cây nhãn thấp, nên dù giá bán có giảm thì người trồng vẫn có lời, nhưng không nhiều bằng những năm trước” - ông Lưu cho biết.

Để hỗ trợ phát triển vùng trồng nhãn tại xã Khánh Hòa, tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên canh nhãn xuồng Khánh Hòa với diện tích 200ha và có chính sách hỗ trợ thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống thủy lợi sản xuất nhãn xuồng Khánh Hòa ứng dụng công nghệ cao”, với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh trên 21,3 tỷ đồng, ngân sách huyện Châu Phú trên 2,3 tỷ đồng).

Ngoài ra, địa phương còn chú trọng nâng chất Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa đủ năng lực để thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như tổ chức thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu nhãn xuồng Khánh Hòa. 

Hiện, xã Khánh Hòa đang tiếp tục mở rộng thêm 50ha diện tích trồng nhãn tại tiểu vùng Bắc Cây Sung thuộc ấp Khánh An, Khánh Mỹ, nhằm nâng diện tích trồng nhãn xuồng Khánh Hòa lên 250ha.