Mô hình nuôi cá chạch lấu trong bể xi măng và ao lót bạt của anh Hùng rộng hơn 3ha ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Mỗi năm, cung cấp ra thị trường hơn 3 triệu cá giống và hơn 10 tấn cá thương phẩm.
Anh Trần Thanh Hùng ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thành công với mô hình nuôi cá chạch lấu. Ảnh: Hữu Khoa
Với giá chạch lấu bán giao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg đối với cá chạch lấu thương phẩm và từ 3.000 - 5.000 đồng/con đối với cá chạch lấu giống (tùy kích thước và từng thời điểm), sau khi trừ hết chi phí, anh Hùng thu lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Hùng cho biết, trước đây đã từng thất bại khi nuôi loài cái này do không có kinh nghiệm chăm sóc cũng như chưa kiểm soát được chất lượng nguồn nước.
Có được sự động viên, ủng hộ từ gia đình, anh mạnh dạn mua thêm cá giống mới về nuôi theo kiểu làm tới đâu, rút kinh nghiệm đến đấy. Cuối cùng anh cũng thành công với mô hình nuôi cá chạch lấu.
Anh Hùng chia sẻ, điều đầu tiên quyết định thành công của mô hình nuôi cá chạch lấu là nguồn nước. Theo đó, khi thấy nước gần dơ là phải thay ngay, tốt nhất là dùng biện pháp xả đáy để đảm bảo sạch lượng phân và thức ăn dư thừa lắng dưới đáy ao.
Kế đến là chiều cao cột nước không được quá thấp, tốt nhất là khoảng 1,2m để cá có không gian sinh sống khi thả với mật độ cao.
Cá chạch lấu lúc nhỏ có thể cho ăn giun, ấu trùng. Khi càng lớn, cá chạch lấu ăn cả côn trùng trưởng thành, tôm, tép và nhiều loại cá nhỏ nên nguồn thức ăn dễ kiếm.
"Cá chạch lấu khi nuôi trong bể xi măng và ao lót bạt nhẹ công chăm sóc, dễ thay nước, dễ kiểm soát dịch bệnh và ít hao hụt trong suốt quá trình nuôi" - anh Hùng nói.
Với thời gian nuôi kéo dài, cá chạch lấu của anh Hùng cho thịt dai, béo, vị rất ngon nên được nhiều quán ăn, nhà hàng thu mua.