Trong ký ức thời thơ bé, chúng tôi tự hỏi ai là người đã sáng chế ra những chiếc thúng chai đi trên sông, trên biển này nhỉ? Sao mà tài tình và khéo léo đến thế! Thắc mắc ấy được chúng tôi hỏi các cụ cao niên trong làng và chỉ nhận được câu trả lời: "Ông không biết là có khi nào, nhưng chỉ biết là từ khi làng chài được lập cho đến nay thì thuyền thúng đã có sẵn, để theo ngư dân mình trên các khúc sông, bến bãi. Và rồi dần trở thành nét đặc trưng không thể thiếu ở làng ta cũng như các làng chài khác trên đất nước Việt Nam thân yêu này đó các cháu".
Nét đặc trưng ấy đã được chúng tôi - những đứa trẻ làng chài trải qua với nhiều kỷ niệm thật đẹp và đáng nhớ. Bởi mỗi cô bé, cậu bé được sinh ra ở làng chài Cửa Bé thì ngoài việc biết bơi sành sỏi ra, còn phải biết chèo thúng chai thật điêu luyện qua cách chỉ dạy vô cùng đơn giản của ông, của cha và được thực hành ngay trên sông nước.
Và còn có cả bác Nam - người duy nhất trong làng làm ra những chiếc thúng chai vừa đẹp mắt, vừa an toàn. Vào những dịp nghỉ hè, chúng tôi còn xuống phụ bác một số công việc lặt vặt. Và khi đó, tôi đã biết để làm ra một chiếc thúng chai chất lượng thật không hề đơn giản. Nào là mua tre, chẻ nan, vót vành, đan tre, chà phân, cho đến trét dầu rái và phơi khô.
Trước tiên bác Nam mua tre thẳng, đặc, ít đốt về cưa chẻ rồi phơi khô. Từng nan tre được vót một cách tỉ mỉ rồi mới chuyển qua việc đan tre cho thật đều và chặt. Tiếp đến là công đoạn tạo khuôn thuyền thúng với các cọc gỗ đóng xuống đất tạo thành hình tròn đều. Bác dùng dụng cụ ép vành thuyền cho thật chặt, sau đó lấy dây cước buộc chặt vành và phần nan tre lại với nhau.
Khi khung thúng đã thành hình thì bác trét phân bò trước, rồi trét dầu rái sau cùng, vì khi đó từng kẽ nan sẽ được bịt kín để thúng không bị hở, tránh nước tràn vào. Phải để thúng phơi dưới nắng gắt từ 3 đến 4 ngày cho dầu rái khô hẳn, rồi bác Nam sẽ tự tay mình lăn thúng xuống nước kiểm tra độ an toàn rồi mới giao cho khách.
Có ở trong làng và tận mắt chứng kiến bao nỗi vất vả để tạo ra những chiếc thúng chai chất lượng mà chúng tôi càng thấm thía cái tâm của bác Nam gửi vào trong đó. Nhìn ánh mắt say sưa của bác mới cảm nhận được hết tình yêu và sự gắn bó chẳng rời với cái nghề "của ít, công nhiều" này.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi ở làng chài quê tôi, nhà nào có thuyền công suất lớn thì hầu như sẽ có ít nhất một chiếc thúng chai neo đậu bên mạn thuyền hay bến bãi để cho tiện việc di chuyển, luồn lách qua những chiếc thuyền to đậu sát bờ.
Ngày ấy, chúng tôi chẳng có các thiết bị giải trí hiện đại, phong phú như bây giờ. Hễ rảnh rỗi là lũ trẻ con cứ túm tụm, hẹn nhau xuống bãi cát ven sông mà chơi đùa. Hay nói đúng hơn là tụi con trai thường nghịch ngợm với những trò gắn liền với chiếc thúng chai.
Thúng được kéo lên bờ nằm im trong một góc cũng bị chúng tôi lôi ra chơi trò cá sấu lên bờ hay trò chơi trốn tìm khi mỗi thằng nằm gọn trong thúng. Tối mát thì chúng tôi rủ nhau mang ít bịch bánh kẹo ngồi quây quần trong thúng chia nhau ăn và không thể thiếu là kể những câu chuyện trên trời dưới đất, không đầu không đuôi nhưng vẫn thích nghe.
Lớn lên một chút, chúng tôi lại gắn chặt với chiếc thúng chai trong việc mưu sinh. Sáng sớm tinh sương phải tranh thủ chèo thúng ra giữa sông để chở mấy xịa cá vào bờ để mẹ kịp bán trong phiên chợ sáng. Lắm lúc cũng buồn ngủ, mắt cứ díu lại, nhưng thật kì lạ, chỉ cần chân chạm vào thúng là gương mặt chúng tôi tươi tỉnh hẳn ra. Dập dìu trong dòng nước xanh rì, gió biển thổi mát rượi, cả ánh nắng buổi sớm mai nhẹ dịu làm sao.
Tôi và thằng Lương cứ so kèo nhau là đứa nào sẽ thi lắc thúng từ ngoài sông vào lại bờ, xem ai nhanh nhất. Đa số chiến thắng đều thuộc về tôi, nhưng đổi lại phần thưởng mỗi thằng nhận được chỉ là niềm vui, tiếng cười giòn tan và có khi là cả lời mắng yêu của các mẹ: "Chúng bây lắc thúng gì mà nhanh dữ vậy? Lắc cho cố vô có khi đổ hết cá, mực ra là ăn no đòn nghe chưa". Đáp lại, chúng tôi cũng chỉ dạ ran cho qua chuyện.
Đến xế chiều thì lại theo ba bơi thúng ra bãi bồi bên sông mà bắt ốc, cua, mò hàu mang về để mẹ bán cho mấy quán nhậu. Ngồi trên vành thúng, đưa chân thòng xuống nước mà cảm nhận dòng nước mát lạnh chạy qua kẽ chân thật vui thích. Thỉnh thoảng một cơn sóng mạnh phủ lên khiến thúng chai chòng chành, nghiêng qua ngả lại nhưng chẳng hề hấn gì với kĩ năng giữ thăng bằng cừ khôi của những đứa trẻ miền biển.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua nhanh, nhờ những đồng tiền nhặt nhạnh mưu sinh từ việc buôn bán, đánh bắt hải sản gần bờ bằng những chiếc thúng chai bình dị ấy đã nuôi lớn anh em chúng tôi nên người và làm cho làn da của mỗi đứa rám nắng, rắn rỏi và đậm thêm mùi của biển.
Dẫu có thế nào thì tôi vẫn yêu quê hương của mình, yêu cái làng chài Cửa Bé thân thương, yêu luôn cái giọng lơ lớ đặc trưng của miền biển và yêu cả những chiếc thúng chai cứ mãi lênh đênh trên những con sông dài. Tựa như nhịp sống của làng chài luôn sôi động và tiếp nối mãi.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.